Chủ tịch Quốc hội: Làm việc hết công suất để kịp trình thông qua Luật Đất đai

Cập nhật: 19/12/2023

VOV.VN - Nhấn mạnh quyết tâm trình Quốc hội xem xét thông qua 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan Quốc hội và Chính phủ làm việc hết công suất, phối hợp chặt chẽ.

Chiều nay (18/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XV. Đây cũng là nội dung cuối cùng của Phiên làm việc thứ 28 – phiên làm việc thường kỳ cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.

Quyết tâm trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong 3 ngày vào trung tuần tháng 1/2024, để xem xét một số nội dung cấp bách.

Cụ thể, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nếu chỉ có vài ngày giữa Kỳ họp bất thường để rà soát kỹ thuật với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gặp khó khăn. Ông cho biết Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có hiệu lực vào tháng 1/2025 và Luật Đất đai (sửa đổi) nếu có được thông qua tại Kỳ họp bất thường thì cũng phải một năm sau mới có hiệu lực.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nên trình thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để tập trung nâng cao chất lượng dự án luật, cơ quan của Chính phủ hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với chính sách của luật sẽ là phương án khả dĩ hơn. 

“Nên để thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để có thời gian đảm bảo chất lượng. Còn bắt buộc phải thông qua tại Kỳ họp bất thường thì xin thêm thời gian để rà soát kỹ thuật, hoàn thiện” – ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng phải quyết tâm làm cho được để trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng và đồng thuận cao thì luật hoá. Cái gì chưa chín, chưa rõ, chưa đồng thuận thì để lại, nhưng không phải toàn bộ luật mà chỉ một vài vấn đề, nên khi ấn nút thấy không ổn thì bỏ ra, còn cầu toàn nói phải đầy đủ thì chắc không thể” - ông Trần Quang Phương nói và đề nghị các cơ quan vào cuộc quyết liệt.

Hay với cơ chế đặc thù cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội nói: “Đã hứa với quốc dân đồng bào rồi, nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, đại biểu và nhân dân mong chờ các chương trình sớm được đẩy nhanh. Nếu cứ tắc thì toàn bộ thành quả trước đó không còn mấy ý nghĩa. Do đó phải quyết tâm làm”.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cố gắng trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, vì có để đến tháng 3 hay tháng 5/2024 cũng không giải quyết được gì nhiều. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ liên tục làm việc cùng các cơ quan về những nội dung này. Do đó, cố gắng cuối tuần này phải chốt được các vấn đề của kỳ họp bất thường để trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

“Kỳ họp bất thường chỉ có 4 nội dung chính thôi”

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định Chính phủ, Thủ tướng và các phó thủ tướng rất quyết tâm. Ngay trước Kỳ họp thứ 6, Thủ tướng đã ký văn bản phân công các phó thủ tướng, bộ trưởng chỉ đạo chuẩn bị các nội dung, đặc biệt là với 2 dự án luật trên.

“Mấy ngày hôm nay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo liên quan Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quyết tâm cao nhất để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 1” – ông Trần Văn Sơn khẳng định.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu chưa xem xét thông qua 2 dự án luật trên thì không cần kỳ họp bất thường. Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu cơ bản hoàn thành Luật Đất đai trong năm nay, do đó, tinh thần là phải quyết tâm thực hiện và “có đủ cơ sở và điều kiện để nói quyết tâm”. Tuy nhiên phải có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức quyết liệt mới có thể đảm bảo vì thời gian không còn nhiều.

Cho biết trong các ngày thứ Tư và thứ Năm tới đây, lãnh đạo Quốc hội tiếp tục làm việc cùng các cơ quan về 2 dự án luật, ông Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ phải vận hành hết công suất. Những cá nhân được giao nhiệm vụ thì các cuộc đi công tác địa phương hay nước ngoài bất đắc dĩ mới đi và “có đi cũng mang tài liệu mà làm, còn lại phải ngồi nhà làm, nghiên cứu hàng ngày, hàng giờ thì mới kịp”.

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý tinh thần quán triệt đúng Nghị quyết 18 và cái gì ngoài nghị quyết hay còn ý kiến khác nhau thì cùng lắm cho làm thí điểm. Với những nội dung quan trọng khác có đề xuất mà hiện chưa có hồ sơ thì không xem xét.

“Đến giờ cái gì không có tài liệu thì chịu. Những cái đã nằm trên bàn mà còn khó khăn, huống hồ chưa có. Quyết sai một ly đi một dặm nên không có gì phải vội vàng. Do đó, Kỳ họp bất thường chỉ có 4 nội dung chính thôi” – ông Vương Đình Huệ nói.

Từ khóa: quốc hội, chủ tịch quốc hội, kỳ họp bất thường làn 5, quốc hội họp bất thường, thường vụ quốc hội,luật đất đai, luật các tổ chức tín dụng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ngọc thành/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập