Chủ tịch Quốc hội: Không né tránh nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách
Cập nhật: 27/08/2024
Bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước trong chương trình Xuân Quê hương 2025
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Các chính sách đảm bảo không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực.
Sáng nay (27/8), tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các dự luật thảo luận tại hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm thảo luận với hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường, gần 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể.
Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến này, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất từ đầu khi xây dựng và đưa các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý luật.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu các các cơ quan phải lưu ý kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần tháo gỡ… để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định.
Trên cơ sở đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật và phiên thường kỳ tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình hội nghị hôm nay, trong đó, lưu ý nhiều vấn đề mới, nhiều quy định còn ý kiến khác nhau cần được các vị đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để có cơ sở thống nhất hướng chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Theo Chủ tịch Quốc hội, còn 3 kỳ họp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, cho đến thời điểm này, Quốc hội đã thực hiện được 83,97% kế hoạch xây dựng luật, pháp luật nhiệm kỳ 2021-2026, chưa kể những dự án luật mới phát sinh. Đây là khối lượng công việc rất lớn mà Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức nỗ lực, cố gắng để thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, việc xây dựng pháp luật thời gian qua có nhiều tiến bộ, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, cần rút kinh nghiệm. Đặc biệt là việc luật ban hành thực hiện chưa lâu lại phải điều chỉnh, phải sửa; các địa phương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết chưa đồng bộ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ quyết định tới đây sẽ tổ chức Diễn đàn xây dựng pháp luật để các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các đại biểu tham dự hội nghị cần tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.
Bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua; những vấn đề thực tiễn đã rõ, được kiểm nghiệm chứng minh có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa chín, chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì không đưa vào luật.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật xem đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng hay chưa. Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật hay chưa. Cần lưu ý việc đánh giá tác động đối với những đề xuất quy định mới.
Cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Các chính sách đảm bảo không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, qua tổng kết Kỳ họp thứ 7 cho thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đã có bước chuyển biến tích cực nhờ cách thức thực hiện mới.
Phát huy cách làm hiệu quả đó ngay sau kết thúc hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoàn thiện xong, không chờ đến khi đủ hết các loại tài liệu mới gửi, tài liệu nào có trước thì gửi trước; từng bước cố gắng khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi tài liệu, đảm bảo đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu trình tại Kỳ họp sớm nhất, trước 20 ngày để có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với những dự án luật, nghị quyết trình thông qua.
Với khối lượng lớn công việc tại kỳ họp tới với dự kiến thông qua 12 dự án luật và thảo luận mới khoảng 12 dự án luật và nhiều nghị quyết khác, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng phải trực tiếp xây dựng các dự án luật của ngành mình, không thể ủy nhiệm cho Vụ trưởng, Thứ trưởng mà Bộ trưởng không tham gia.
Lấy ví dụ, có những dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã phải tổ chức 7, 8 cuộc họp với cơ quan soạn thảo, Chính phủ để chỉnh sửa, cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, nếu từ các bộ là cơ quan soạn thảo làm tốt, trình lên Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ sẽ có chất lượng và khi gửi sang Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thẩm tra sẽ có đủ cơ sở để thẩm tra. Vì vậy, cần khắc phục tình trạng này từ gốc để các dự thảo luật có chất lượng ngay từ khâu soạn thảo.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các đại biểu tích cực nghiên cứu; chuẩn bị ý kiến súc tích, tránh trùng lặp, phân tích, lập luận thuyết phục và đề xuất phương án cụ thể về những vấn đề xin ý kiến hoặc được quy định trong dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Trường hợp có nội dung kết thúc sớm hơn so với thời gian dự kiến thì sẽ chuyển luôn sang nội dung kế tiếp để tiết kiệm thời gian và bảo đảm hiệu quả của hội nghị.
12 dự án luật được cho ý kiến tại hội nghị này bao gồm: 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân và 01 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi), nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Từ khóa: Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự án luật
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê tuyết/vov
Nguồn tin: VOVVN