Chủ tịch Quốc hội gặp ĐBQH là người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và nhà giáo
Cập nhật: 14/11/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiều tối 14/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, nhà giáo nhân Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) và Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11).
Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và nhà giáo…
Theo các báo cáo được trình bày tại cuộc gặp mặt, Quốc hội khóa XV có 499 đại biểu. Trong đó có 89 đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 17,8%, cao nhất trong 15 khóa Quốc hội, lần đầu tiên có thêm 2 đại diện của 2 dân tộc thiểu số ít người là Lự và Brâu; có 5 vị chức sắc tôn giáo; 119 nhà giáo và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tỷ lệ đại biểu có trình độ chuyên môn, học vấn cao (12 giáo sư, 20 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 248 thạc sĩ),...
Các ý kiến phát biểu tại cuộc gặp mặt cho rằng, cơ cấu đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội khóa XV nói riêng đã thể hiện rất rõ tính đại đoàn kết toàn dân tộc, với cơ cấu đại biểu đại diện đầy đủ cho các giới trong xã hội.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cuộc gặp mặt này là hoạt động ý nghĩa, thấm đượm tình đoàn kết giữa các dân tộc, minh chứng cho sự thống nhất ý chí và hành động, ý thức trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước cử tri cả nước trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vị thế, vai trò của Quốc hội cùng những kết quả đạt được trong quá trình hoạt động suốt hơn một năm qua, nhất là trong giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã được cử tri, nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Phát huy vai trò, uy tín vận động đồng bào tin tưởng, đồng thuận với Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng thời các đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ và mọi mặt; thường xuyên gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát thực tiễn để chuyển tải vào chương trình nghị sự của Quốc hội.
Chủ động, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung Quốc hội xem xét, quyết định, để Quốc hội hoạt động ngày càng chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".
Năm 2023 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo tích cực tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như kiến nghị, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc, tôn giáo, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ nhằm xây dựng vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước; xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; phát huy tối đa tiềm lực của nền tri thức, khoa học, công nghệ nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.
Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và nhà giáo phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm của mình để tham gia có hiệu quả đối với các chuyên đề giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà./.
Từ khóa: Chủ tịch Quốc hội gặp ĐBQH là người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội, vương đình huệ, Ngày nhà giáo Việt Nam
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN