Chủ tịch Quốc hội: Đấu giá biển số xe không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền

Cập nhật: 11/10/2022

VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu một mức giá khởi điểm thống nhất, phù hợp để áp dụng toàn quốc khi thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Có nên thí điểm đấu giá biển số nền vàng, biển số xe mô tô?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo trình tự tại một kỳ họp Quốc hội.

Bộ Công an đề nghị chọn 1 loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen) thuộc kho số quản lý phương tiện ô tô trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan công an dự kiến cấp mới cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để cấp quyền lựa chọn sử dụng thông qua đấu giá (theo cơ chế thị trường) để thực hiện trong giai đoạn thí điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.

Bộ Công an đề xuất phương án lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá biển số bằng hình thức trực tuyến, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt tổ chức đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết, người trúng đấu giá được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở.

Người này cũng được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; Khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe...

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Lê Tấn Tới cho biết, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều điểm khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định.

Thường trực UBQPAN nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng hay biển số xe mô tô, xe gắn máy vì nếu mở rộng thì số lượng trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc nên đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

Nên thống nhất một mức giá khởi điểm “hấp dẫn”

Khẳng định việc đấu giá sẽ tăng tính minh bạch, công khai, góp phần thu ngân sách Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tin tưởng việc thí điểm này sẽ thành công, vì nhiều nước cũng đã thực hiện.

Tuy nhiên, ông không đồng tình với việc chỉ giới hạn thí điểm với biển nền trắng, chữ đen và đề xuất mở rộng ra cả với biến nền vàng (xe ô tô) và biển xe mô tô.

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, người có xe mô tô hạng sang sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để đấu giá biển số mà họ cho là đẹp, qua đó tăng thu ngân sách. Chúng ta nên cho thí điểm luôn” – ông Bùi Văn Cường nêu ý kiến.

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô cần được nghiên cứu mở rộng hơn, như liên quan đến thừa kế, cho tặng, được gắn vào xe mới (như khi xe cũ hỏng), vì nếu được như vậy thì người tham gia đấu giá mới sẵn sàng trả mức giá cao.

“Giới hạn quyền thì họ nghĩ đấu giá xong rồi sau này không được sử dụng gì nhiều thì chỉ trả mức giá nhất định. Quyền nhiều thì giá trúng thậm chí lên tới tiền tỷ mỗi biển số, còn hạn chế quyền thì có khi chỉ 200 đến 400 triệu thôi. Nên cân nhắc để thí điểm” – ông Bùi Văn Cường nói.

Không đồng tình với đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng vấn đề không hẳn là thu được nhiều tiền hay ít tiền vì việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô còn phục vụ quản lý nhà nước với phương tiện. Hơn nữa, đây là hình thức mới, thí điểm thì việc giới hạn quyền của người trúng đấu giá ở mức độ nào đó là phù hợp. Bởi hiện cũng chưa hình dung được hết hệ quả pháp lý trong quá trình thí điểm nên cần thận trọng.

“Nên khoanh phạm vi với một loại biển nền trắng chữ đen, không nên mở rộng ra biển vàng hay biển mô tô, để qua đó xem xét, đánh giá và nếu tốt thì mở rộng sau” – ông Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn về phương thức khi “bất kỳ người nào, ở đâu, đều có thể đấu giá, đăng ký biển số mình thích”, trong khi phương thức truyền thống là người thường trú ở đâu thì đăng ký ở đó. Ông đề nghị làm rõ tại sao áp dụng phương thức này và tại sao chỉ áp dụng với biển được đấu giá và việc thực hiện có ảnh hưởng gì đến quản lý sau này.

Bên cạnh đó, cần làm rõ cách thức lựa chọn “1 tổ chức đấu giá”, điều kiện, tiêu chí nào, công khai, minh bạch ra sao để qua đó kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã có sự chuẩn bị từ lâu, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và hồ sơ đủ điều kiện trình ra Quốc hội.

Trước các đề xuất mở rộng thí điểm với cả biển số nền vàng, biển số xe mô tô, ông Vương Đình Huệ cho rằng, thí điểm thì nên chọn một số việc chứ không thể bao quát được tất cả, do đó việc lựa chọn biển số nền trắng chữ đen với xe ô tô là phù hợp.

Liên quan đến giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu một mức giá để áp dụng toàn quốc khi đấu giá trực tuyến và mức giá cần phù hợp để thu hút người dân tham gia đấu giá.

“Việc đấu giá nhằm khai thác kho số và đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng của người dân, chứ không phải mục tiêu duy nhất là thu tiền. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu một mức giá khởi điểm phù hợp, không cao quá để tạo sự hấp dẫn” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, dự thảo Nghị quyết chỉ nên thể hiện các nguyên tắc lớn, còn lại giao Chính phủ quy định và thực hiện.

Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa lại dự thảo nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng từ tên gọi đến nội dung để dễ hiểu, dễ thực hiện.

Thứ tưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Chính phủ, thiết kế, hoàn thiện dự thảo. Ông cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến cho rằng cần xác định một mức giá khởi điểm chung phù hợp để áp dụng trong cả nước.

“Nguyên tắc xuyên suốt là không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, “kho số đặc biệt” hoặc “kho số đẹp”…. Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là “tài sản công đặc thù”, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh./.

Từ khóa: Đấu giá biển số xe ô tô, biển số xe nào được đấu giá, quy định về đấu giá biển số, Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe ô tô, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập