Chủ tịch Quốc hội: Cần tư duy luật ban hành sẽ tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm

Cập nhật: 13/09/2021

VOV.VN - Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là một trong những luật đầu tiên trình Quốc hội khoá XV nên phải thể hiện được tinh thần kiến tạo phát triển.

Vấn đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh trong phiên làm việc sáng nay, 13/9 khi thảo luận về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tư tưởng lập pháp và định hướng xây dựng pháp luật từ phục vụ quản lý là chính sang kiến tạo phát triển. Luật Kinh doanh bảo hiểm là một trong những dự luật đầu tiên trình Quốc hội khoá XV thì cần làm rõ cách làm mới cũng như thể hiện sự kiến tạo phát triển ở chỗ nào để xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển tầm cỡ.

“Tinh thần quản lý nhà nước cũng phải khác, thay vì quản lý là chính thì tạo hành lang pháp lý kiến tạo để thị trường bảo hiểm phát triển, tiệm cận cái mới, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để rõ cái đổi mới, luật hoá những gì thực tế đã chứng minh và thậm chí điều chỉnh cả những vấn đề sẽ có sau khi luật ra đời” – ông Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến, đồng thời lưu ý dự luật liên quan 46 luật, 17 hiệp định tương mại tự do đã và đang đàm phán nên cần rà soát, nêu cụ thể đảm bảo thống nhất chứ không giải trình chung chung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu mục tiêu hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong việc tập trung đầu tư phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao thì có hoạt động bảo hiểm – thị trường mà Việt Nam còn thấp so với tiềm năng và mặt bằng thế giới.

Đánh giá dự luật được soạn thảo và cho ý kiến rất sớm, có sự chuẩn bị công phu, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề cần tư duy luật này sau ban hành có tạo cú hích cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn không, chứ không chỉ sửa một số điểm bất cập. Tư duy kiến tạo phát triển vì đây là thị trường rất tiềm năng, do đó cần tổng kết sâu thực tiễn và áp dụng kinh nghiệm quốc tế.

Dẫn 6 điểm được nêu tại Điều 5 của dự thảo luật về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nói “còn chung chung, không biết sẽ thể hiện thế nào”. Như sản phẩm bảo hiểm cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, ông Vương Đình Huệ cho biết mỗi khi thiên tai, mất mùa thì Nhà nước “chịu trận” hết từ nguồn dự phòng ngân cách địa phương, dự phòng Trung ương và xã hội hoá bù dắp, chứ còn công cụ phòng ngừa như bảo hiểm vắng bóng trong khi ta là đất nước nông nghiệp. Ngư dân chịu thiệt đành tự phá sản, kêu gọi Nhà nước hỗ trợ mà không có công cụ gì cho người ta, chưa phát triển được bảo hiểm trong lĩnh vực này.

“Dự thảo nêu Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện tổ chức triển khai các sản phẩm bảo hiểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là đúng rồi, nhưng hỗ trợ cái gì đây? Vẫn mang tính khẩu hiệu nhiều lắm. Tôi băn khoăn luật có ban hành thì 6 điểm này cũng nằm ở Điều 5 chứ không vào tỉnh thành, bộ ngành nào đâu. Thể hiện thế thì sau này luật khác, chính sách khác có liên quan phải làm thế nào!” – ông Vương Đình Huệ nói.

Đề cập hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bởi lẽ quy định còn nặng về lợi ích và bảo vệ rủi ro cho doanh nghiệp, còn người mua chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, ngoài xem xét tính tương thích của hợp đồng cần cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Cũng liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Nguyễn Phú Cường cho rằng bán bảo hiểm thì dễ nhưng khi có sự việc xảy ra thì giải quyết đền bù rất khó nên cần quy định rõ về hợp đồng.

“Mỗi đơn vị có hợp đồng riêng mà không có chuẩn nào nên khi có sự cố liên quan đền bù thiệt hại thì bên bán vin vào một hai từ trong hợp đồng và không muốn đền, còn bên mua hảo hiểm yêu cầu rồi sau cùng đưa ra tòa. Nên chăng có hợp đồng mẫu. Đồng Nai đã có nhiều vụ, có trường hợp cháy nhà máy gỗ mà 5 năm chưa được đền bù” – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết.

Ông Nguyễn Phú Cường cũng đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Kinh tế về việc dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến phá sản của DNBH, DNTBH chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản, như chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với DNBH bị phá sản, thứ tự ưu tiên khi phân chia tài sản của DNBH, DNTBH... Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.

“Doanh nghiệp triển khai theo đúng thủ tục, trình tự phá sản là rất lâu, nhiều người ví von “doanh nghiệp chết rồi mà chưa chôn được”. Cần đưa ra nhóm ưu tiên phá sản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sao cho đồng bộ” – ông Nguyễn Phú Cường nói, đồng thời đề nghị có khung để tránh việc doanh nghiệp cạnh tranh mức phí quá thấp, khi có sự cố xảy ra thì nhiều khi không có tiền mà đền. Cần có kiểm soát, không để doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vự bảo hiểm./.

Từ khóa: Kinh doanh bảo hiểm, Quỹ bảo hiểm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập