Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Ban Dân y Khu 5
Cập nhật: 23/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chủ tịch nước khẳng định, danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban Dân y Khu 5.
Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ, tưởng nhớ và tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, sáng nay (23/7), tại Thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ và trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Ban Dân y Khu 5.
Cùng dự buổi lễ có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và Thành phố Đà Nẵng; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng LLVT nhân dân và đông đảo các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thầy thuốc Ban Dân y Khu 5.
Lịch sử hình thành và phát triển của Ban Dân y Khu 5 gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, hy sinh sau khi tách Ban quân - dân y Khu 5 thành hai bộ phận quân y và dân y vào năm 1962. Sau khi đất nước thống nhất, Ban Dân y Khu 5 hoàn thành nhiệm vụ và giải thể.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước bày tỏ tri ân các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, số cơ sở y tế tại các tỉnh thuộc Khu 5 còn ít, chưa mạnh, nhưng sau đó được Liên Khu 5 bổ sung nhân lực cán bộ y tế được đào tạo từ Miền Bắc. Tiếp đó, Trung ương tách Liên khu 5 thành Khu 5, Khu 6 và Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết định thành lập 2 hệ thống là quân y và dân y. Ban Dân y Khu 5 lúc đó còn gọi là Ban y tế miền Trung Trung bộ.
Suốt từ những năm 1965 đến 1968, các lực lượng bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá, dược tá, nữ hộ sinh và cán bộ, nhân viên của ngành Y tế Khu 5 đã hi sinh quên mình, vượt qua bom đạn để cứu chữa, phục vụ thương binh, góp phần không nhỏ vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1975, hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Hồ Chủ tịch”, ngành Dân y Khu 5 tiếp tục phấn đấu vượt mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phục vụ quân và dân, đóng góp công sức đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, Ban Dân y Khu 5 đã có những đóng góp quan trọng, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất được các loại vaccnie chống dịch bệnh, các loại thuốc và trang thiết bị y tế. Đặc biệt, sau một thời gian tích cực tìm tòi, nghiên cứu, năm 1965, Xưởng thủy tinh Khu 5 đã sản xuất được một số loại thiết bị y tế bằng thủy tinh đựng vắc xin. Với phương châm “cần gì học nấy”, “thà yếu hơn thiếu”, chỉ trong một thời gian ngắn, ban dân y đã đào tạo được hàng chục lớp trung cấp, sơ cấp y tá, dược tá, nữ hộ sinh… ở Khu và các tỉnh. Nhiều cá nhân đã được Đảng và Nhà nước vinh danh bằng các danh hiệu tôn vinh cao quý.
Sau gần nửa thế kỷ đất nước hòa bình, những y, bác sĩ, chiến sĩ đã đi vào lịch sử như Bác sĩ Trần Dzũ; Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên; Bác sĩ, Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm, Kỹ sư Vũ Đức Minh, v.v...vẫn được mọi người nhắc đến với lòng yêu mến, tri ân, để lại niềm cảm hứng lớn lao cho các thế hệ sau, nhất là đội ngũ bác sỹ, thầy thuốc trẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” là minh chứng cho sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban Dân y Khu 5 đã đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Để làm tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân Ban Dân y Khu 5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu Di tích Ban Dân y Khu 5 để nơi đây trở thành địa chỉ truyền thống của cách mạng và của ngành y, góp phần giáo dục lịch sử, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ ngành y nói riêng. Đề nghị ngành y tế phát huy truyền thống trong kháng chiến, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm đúng quy định pháp luật để không thiếu thuốc, không thiếu vật tư y tế, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ sức khỏe cho nhân dân, phòng chống các loại dịch bệnh đang diễn ra. Đó mới là phát huy tinh thần truyền thống ngành y tế Việt Nam nói chung, lương y Khu 5 nói chung, mới là phát huy lời dạy của Bác Hồ: Lương y như từ mẫu.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ y tế tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình quân dân y kết hợp, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa cần tăng cường lực lượng quân y đóng quân tại đây để hỗ trợ khám chữa bệnh và điều trị cho người dân, phù hợp với điều kiện và tình hình của địa phương.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thầy thuốc Ban Dân y Khu 5, bởi hiện nay số lượng các đồng chí trong Ban Dân y không còn nhiều và đều tuổi đã cao, không trường hợp nào gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, nỗ lực để các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có cuộc sống bằng hoặc hơn mức bình quân chung của địa phương./.
Từ khóa: Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Ban Dây y Khu 5, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Ban Dây y Khu 5
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN