Chủ tịch nước: Lai Châu cần phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững
Cập nhật: 12/11/2022
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Chủ tịch nước nhấn mạnh giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu cần thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; hỗ trợ cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Tiếp tục chương trình công tác tại Lai Châu, sáng 12/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách tư pháp trên địa bàn. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Theo báo cáo của Tỉnh uỷ Lai Châu, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành ngông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 10 năm 2022 đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng số vốn đăng ký 8.322 tỷ đồng. Toàn tỉnh đang tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kịp thời thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã có một số điểm sáng như cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn mức bình quân cả nước (giai đoạn 2016 - 2020 tăng gần 12%/năm).
Các mặt văn hóa- xã hội, đời sống tinh thần của người dân đều khá tốt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ gia đình, thôn bản đạt tiêu chuẩn văn hóa đều cao. Đáng chú ý, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất trong cả nước từ mức hơn 58% năm 2006 xuống còn chưa đến 28% năm 2021; hơn 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 106 sản phẩm được công nhận OCOP.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số hạn chế như Lai Châu nằm trong nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước cả về khoảng cách, sự kết nối với các trung tâm kinh tế, hạ tầng, nguồn nhân lực; có hơn một nửa số xã (54/106 xã) là xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 22 xã biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn rất cao. Do đó, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột: nông lâm nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; công nghiệp mà tỉnh có lợi thế, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; thương mại, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và du lịch.
Về phát triển nông, lâm nghiệp, chú trọng vào chất lượng, quy mô đủ lớn gắn với xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị nông sản, chú ý nông sản đặc hữu là thế mạnh như vùng chè cổ thụ, vùng cây ăn trái, vùng cây công nghiệp giá trị cao; vùng cây dược liệu quý có lợi thế: sâm, cây 7 lá 1 hoa, lan kim tuyến... Có chiến lược phát triển Sâm Lai Châu bền vững, hiệu quả. Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết giá trị.
Theo Chủ tịch nước, Lai Châu cũng cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, dịch vụ logistic; nâng tầm cạnh tranh của các sản phẩm OCOP, những đặc sản của địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc, của Lai Châu, gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương; bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong phát triển du lịch.
Lai Châu cũng cần tập trung tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch; bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng bảo đảm an biên giới, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương; tích cực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng và quản lý tuyến biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu cần thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; hỗ trợ cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt cấp ủy chính quyền các cấp phải gieo vào lòng dân tinh thần tự lực, tự cường, biến khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu thành hiện thực.
Về các kiến nghị, đề xuất của Lai Châu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm xem xét, giải quyết.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà gia đình bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sĩ, ở tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết; bà Đinh Thị Huệ, vợ liệt sĩ ở tổ dân phố số 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu./.
Từ khóa: Chủ tịch nước làm việc tại Lai Châu, Lai Châu giảm nghèo bền vững
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN