Chủ tịch nước kêu gọi các doanh nghiệp Indonesia mở rộng hợp tác với Việt Nam
Cập nhật: 23/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chủ tịch nước nhấn mạnh điều này trong cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Ciputra nhân chuyến thăm Indonesia.
Tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Arsjad Rasjid.
Thông báo kết quả thành công của chuyến thăm, thành tựu hợp tác hai nước, Chủ tịch nước cho rằng, kết quả đó có vai trò đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia. Chủ tịch nước hoan nghênh Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng các doanh nghiệp Indonesia có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam về đầu tư, thương mại, và cho biết, điều đó góp phần quan trọng vào kết quả hợp tác hai nước, nhất là vào năm 2023, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
Cho biết chuyến thăm Indonesia lần này nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia, tin cậy chính trị được nâng lên, hợp tác kinh tế phát triển toàn diện, Chủ tịch nước cho rằng, đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước yên tâm mở rộng hợp tác.
Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam và Indonesia đều có dân số đông, thị trường lớn, cùng đặt ưu tiên hợp tác nội khối ASEAN thì con số kim ngạch thương mại hai chiều mới 13 tỷ USD còn thấp. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp hai nước cần hiểu rõ tận cùng nhu cầu thị trường của nhau.
Đánh giá cao Indonesia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư thành công nhất trên thế giới và mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy doanh nghiệp Indoneisa tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Việt Nam để tương xứng mối quan hệ Đối tác chiến lược.
Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là cơ hội cho các doanh nghiệp Indonesia. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư.
Hoan nghênh đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực là thế mạnh của hai nước là nông nghiệp và thủy sản, Chủ tịch nước cũng đề nghị Chủ tịch và Phòng tiếp tục đề xuất chính sách thúc đẩy đầu tư và thương mại, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD theo hướng cân bằng vào trước năm 2028 như thống nhất của lãnh đạo hai nước; đặc biệt về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại nội khối ASEAN trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia, tuân thủ các quy định, thông lệ quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do ASEAN+.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, vui mừng quan hệ thương mại song phương được đẩy lên tầm cao mới. Ông bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư hai nước còn rất lớn và cam kết Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia sẽ thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại và thúc đẩy đầu tư. Trong đó, ông mong muốn doanh nghiệp hai nước kết nối tạo thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp hai nước còn có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nghề cá, ô tô, ô tô điện và Phòng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư Indonesia đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực này. Ông cũng mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia để các sản phẩm của Việt Nam và Indonesia tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thành công của chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia mong muốn lãnh đạo, bộ ngành hai nước có kế hoạch triển khai các thỏa thuận hợp tác, làm cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
*** Tiếp đó trong sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Budiarsa Sastrawinata, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ciputra. Chủ tịch nước đánh giá cao các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam 20 năm qua, đã đầu tư gần 3 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản. Trong đó, Khu đô thị Nam Thăng Long đang là một trong những dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn và là khu đô thị ấn tượng trong quần thể thắng cảnh Hồ Tây, Hà Nội.
Với những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước đạt được trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đề nghị Tập đoàn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam, mở rộng trong những lĩnh vực đầu tư mới mà Việt Nam ưu tiên. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, du lịch trong nước và quốc tế phát triển mạnh với nhiều thắng cảnh đẹp... Do đó, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và hấp dẫn cho các doanh nghiệp phát triển.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, chúc mừng Chủ tịch nước về chuyển thăm thành công tốt đẹp, ông Budiarsa Sastrawinata cảm ơn Chủ tịch nước luôn ủng hộ ông trên cả hai cương vị Chủ tịch Hội Hội Hữu nghị và Tổng Giám đốc Tập đoàn; cảm ơn Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn của Ciputra tại Hà Nội. Trong đó, Khu đô thị Nam Thăng Long với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD và Khách sạn 5 sao Pullman Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 66 triệu USD. Tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
*** Tiếp đó trong sáng 23/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Albert, đồng Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka, một doanh nghiệp sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.
Chủ tịch nước hoan nghênh hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của Tập đoàn Traveloka tại Việt Nam trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích, phục vụ nhu cầu về du lịch, phong cách sống của người dân Việt Nam. Với hiệu quả kinh doanh ứng dụng nền tảng công nghệ số, Chủ tịch nước mong muốn Tập đoàn mở rộng hợp tác ở Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch nước cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số giữa Tập đoàn và các doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mong muốn Tập đoàn quan tâm, mở rộng quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt qua hệ thống của Tập đoàn.
Việt Nam có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, văn hóa ẩm thực, danh lam thắng cảnh, tuy nhiên lượng khách du lịch giảm sau đại dịch, do đó Chủ tịch nước mong muốn Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ quảng bá, đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, thu hút thêm lượng lớn khách du lịch đến khám phá Việt Nam.
Bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước về các vấn đề nêu ra, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Traveloka cho biết, Tập đoàn có hơn 1 triệu lượt người đăng ký sử dụng dịch vụ số, tập trung ở khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn đã hợp tác với hơn 3.000 doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá văn hóa, phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ một số địa phương quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch. Vừa qua, Tập đoàn đã có hội nghị bàn tròn với Tổng cục Du lịch Việt Nam để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở Việt Nam.
Ông Albert cho biết, Tập đoàn có 880 nhân viên ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp du lịch. Từ thành công khởi nghiệp của Tập đoàn mình, ông mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp./.
Từ khóa: Chủ tịch nước thăm Indonesia, quan hệ Việt Nam - Indonesia, Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ciputra
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN