Chủ tịch nước họp về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo về Tổ quốc
Cập nhật: 15/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có ý nghĩa rất quan trọng, đưa ra đường lối, tư duy mới, là bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sáng 15/7, tại Phủ Chủ tịch, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” họp Phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án để nghe báo cáo về Đề cương tổng kết.
Cùng dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung Trung ương.
Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có ý nghĩa rất quan trọng, đưa ra đường lối, tư duy mới, là bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết vào năm 2023, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, đứng đầu là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ như ban hành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc tổng kết Nghị quyết; tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; chỉ đạo xây dựng 18 chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án. Sắp tới, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức một số hội thảo khoa học lớn để lấy ý kiến đóng góp xây dựng Đề án.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng Dự thảo Đề án. Qua các hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo lần 1 của Đề cương chi tiết Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Cho rằng, các đại biểu dự họp nêu nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổ biên tập xây dựng Đề án tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Đề cương báo cáo; trong đó cần nhấn mạnh đến thành công sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, góp phần mang lại những kết quả quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Báo cáo cũng bao gồm toàn diện các nội dung, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án từ Trung ương đến địa phương; sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm trong hành động bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới; công tác thể chế hóa Nghị quyết trong các văn bản pháp luật cũng như các chương trình kế hoạch triển khai Nghị quyết của các địa phương…
Đối với những vấn đề lớn, trọng tâm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần phải “soi” vào nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết để đánh giá; trong đó có công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng an ninh; giải quyết các vấn đề xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Cùng với đó cần nhấn mạnh đến thực hiện nhiệm vụ củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Đi liền với đó là xây dựng nền công nghiệp quốc gia gắn với phát triển công nghiệp quốc phòng; triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Nhấn mạnh những thành công sau 10 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân chủ quan, khách quan; những bài học kinh nghiệm; nguy cơ, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong 10 năm tới…, làm cơ sở đề xuất phương châm, giải pháp cụ thể.
Chủ tịch nước đề nghị tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Đề án; tập trung vào những vấn đề lớn để tập hợp các ý kiến đóng góp. Từ kinh nghiệm xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Chủ tịch nước lưu ý, 18 chuyên đề của Đề án này là những nội dung nền tảng, chuyên sâu để tổng hợp xây dựng đề cương Dự thảo Đề án “Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với các nội dung cốt lõi, đảm bảo sát thực tiễn. Do đó, các cơ quan chức năng được giao thực hiện các chuyên đề cần hoàn thiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng./.
Từ khóa: Đề án Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN