Chủ tịch nước chủ trì làm việc với Quốc hội và MTTQ về Đề án Nhà nước pháp quyền
Cập nhật: 15/07/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp thu những nội dung được nêu ra tại các buổi làm việc để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Đề án.
Ngày 14/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Đảng đoàn Quốc hội và Đảng đoàn MTTQ về nội dung dự thảo Đề án.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Dự buổi làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nghiên cứu, xây dựng 4 chuyên đề gồm: Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và Chuyên đề Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đối với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo giao xây dựng 2 chuyên đề gồm: “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và Chuyên đề: “Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch nước bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều quyết sách kịp thời trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như phục hồi nền kinh tế sau dịch, trong đó có những quyết định quan trọng về chính sách tài khóa. Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát tối cao về những vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao hiệu quả công tác góp ý, thẩm tra, thông qua các dự án luật.
Về nhiệm vụ xây dựng các chuyên đề của Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng đoàn Quốc hội đã tập trung xây dựng các chuyên đề được Ban Chỉ đạo phân công đảm bảo tiến độ và chất lượng, được Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao. Nhiều nội dung được tiếp thu và đưa vào dự thảo Đề án. Đặc biệt, Đảng đoàn Quốc hội đã khẩn trương thành lập 4 tiểu ban do Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng các tiểu ban để trực tiếp chỉ đạo xây dựng các chuyên đề. Trong quá trình xây dựng các chuyên đề, Đảng đoàn Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội Chính Trung ương triển khai công việc chung của Ban Chỉ đạo; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với tinh thần cầu thị, tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao MTTQ Việt Nam luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, phát huy vai trò nòng cốt trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà nước; tập hợp ý kiến của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. MTTQ Việt Nam là nhân tố quan trọng trong phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam nỗ lực, nâng cao trách nhiệm thực hiện hai chuyên đề được giao với chất lượng cao. Đảng đoàn và lãnh đạo MTTQ Việt Nam tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị và có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết xây dựng dự thảo Đề án. Nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam được Tổ Biên tập tổng hợp và đưa vào dự thảo Đề án.
Tại các buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao các đại biểu hai cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có căn cứ lý luận và thực tiễn, mang tính xây dựng cao, nhất là về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau. Nhiều nội dung sau khi bàn thảo đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất ngay tại buổi làm việc. Các ý kiến đều thống nhất quan điểm đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Đề án công phu, khoa học, chất lượng cao, tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước.
Một số nội dung quan trọng của Dự thảo Đề án được các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm như: Vai trò, vị trí, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của MTTQ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được và hạn chế, bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ và giải pháp, đổi mới tổ chức hoạt động; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế của Nhà nước pháp quyền; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...
Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu những nội dung được nêu ra tại các buổi làm việc để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Đề án. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục xem xét, bàn thảo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo./.
Từ khóa: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Hiến pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN