Chủ tịch Khánh Hòa: "Xứ sở du lịch" chuyển hướng từ sau Covid-19
Cập nhật: 29/01/2024
VOV.VN - Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, sau Covid, Khánh Hòa đã sắp xếp lại tỷ trọng kinh tế của các ngành như công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại... Đây là yếu tố quyết định cho sự chuyển hướng của một nền kinh tế mà lâu nay Khánh Hoà được mệnh danh là một xứ sở các hoạt động du lịch.
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế- xã hội tại khu vực miền Trung, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, duy trì đà tăng trưởng, mục tiêu đến năm 2030, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Nhân dịp năm mới, Xuân Giáp Thìn -2024, Phóng viên VOV, thường trú khu vực miền Trung phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
PV: Thưa ông, năm 2023 đã qua, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện. Cụ thể, GRDP tăng hơn 10,3% và là năm thứ 2 dẫn đầu khu vực miền Trung, đứng thứ 4 cả nước. Lần đầu tiên, quy mô kinh tế của tỉnh Khánh Hòa đạt mức 100.000 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân để Khánh Hòa đạt được những con số ấn tượng như vậy?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã có các phương án để tháo gỡ kinh tế chung của tỉnh, đặc biệt là sắp xếp lại tỷ trọng kinh tế của các ngành như công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao... Đây là yếu tố quyết định cho sự chuyển hướng của một nền kinh tế mà lâu nay Khánh Hoà được mệnh danh là một xứ sở các hoạt động du lịch. Qua dịch bệnh Covid-19, chúng tôi mới thấy kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự đổi thay tiến dần các ngành như công nghiệp xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ 2, đó là hỗ trợ quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ bằng các cơ chế đặc thù khi Khánh Hoà được đón nhận Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các Nghị quyết đặc thù mà Quốc hội thông qua. Đây là những cú hích rất lớn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thứ 3 là trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, chúng tôi kiên quyết thực hiện theo đúng luật quy hoạch, đảm bảo cho sự phát triển chung của tỉnh theo định hướng mà Bộ Chính trị đã đặt ra trong năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đã có quy hoạch đúng và một sự quản lý quy hoạch chặt chẽ thì chúng ta giải quyết được những tồn đọng khó khăn trước đó.
Hy vọng trong thời gian sắp đến, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đảm bảo phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Nha Trang, khu vực Cam Ranh và khu vực Vân Phong. Tất cả những yếu tố này tạo nên kết quả tăng trưởng trong 2 năm 2022 và năm 2023.
PV: Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa chọn chủ đề "quy hoạch và đầu tư" và năm 2024, tỉnh chọn chủ đề là "quản trị và điều hành". Xin ông cho biết những nội dung, nhiệm vụ quan trọng cần hướng đến trong năm nay là gì?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Trong năm 2024, chúng tôi chủ trương là năm quản trị và điều hành. Do đó, vấn đề đầu tiên là chúng tôi sắp xếp lại đội ngũ cán bộ người đứng đầu của các địa phương, các sở, ngành và các Ban Quản lý. Qua sắp xếp, việc phát huy vai trò của người đứng đầu đã được thể hiện rõ ràng, cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức của các sở, ngành cũng như các địa phương rất an tâm. Chúng tôi báo cáo với cấp uỷ Đảng sẵn sàng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm không vì mục đích riêng tư, cũng không vì lợi ích nhóm.
Vấn đề thứ 2, chúng tôi yêu cầu tất cả những người đứng đầu của các sở ngành, địa phương đều phải xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Có như vậy, chúng ta bám sát vào chỉ tiêu, phương hướng mà phấn đấu.
Vấn đề thứ 3, tất cả những công việc điều hành của các cấp chính quyền phải được xuất phát từ việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của HĐND và sự đồng thuận của người dân. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm chúng tôi đã khẩn trương triển khai thông qua Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phát triển đô thị tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030 và khẩn trương lập các quy hoạch phân khu để tiếp tục kêu gọi và xúc tiến đầu tư. Các dự án đã được chấp thuận đầu tư, ký kết các văn bản ghi nhớ, hiện nay chúng tôi đang triển khai báo cáo với các đề án tiền khả thi để có thể triển khai ngay.
PV: Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế như kinh tế phát triển chưa bền vững, độ che phủ rừng chưa cao, số xã nông thôn mới còn ít... Vậy tỉnh Khánh Hòa sẽ có những giải pháp mang tính đột phá nào để giải quyết những bất cập này?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Xây dựng nông thôn mới trong thời gian vừa qua cũng chưa được quan tâm đúng mức, còn phụ thuộc vào quy hoạch phát triển đô thị. Do đó, quan điểm của tỉnh là tiếp tục xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới bậc cao ở các vùng đồng bằng, còn các khu vực khác chúng tôi vẫn bám sát vào chương trình phát triển đô thị. Trên tinh thần vừa xây dựng nông thôn mới để chúng ta sớm trở thành các đô thị loại 5, loại 4 để tiến đến toàn tỉnh chiếm tỷ trọng trên 75% đô thị, vừa phát triển đô thị kéo dần tỷ trọng lao động phi nông nghiệp.
Vấn đề phủ rừng hiện nay tỉnh đang kiểm tra lại tất cả các diện tích, các dự án có liên quan đến đất rừng hết sức là hạn chế và tăng cường trồng rừng ở khu vực miền núi. Việc cơ cấu lại kinh tế rất quan trọng, khẩn trương triển khai các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ lệ chi phối. Mặt khác, đối với du lịch được xem là trọng điểm, mũi nhọn, với các sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn để lôi kéo được du khách khắp mọi nơi.
PV: Xin cảm ơn ông.
Từ khóa: Khánh Hòa, chuyển hướng, covid-19, du lịch, nguyễn tấn tuân
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thái bình/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN