Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Cập nhật: 04/06/2021

(VOV5) -Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng của thành phố Hồ Chí Minh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức chủ tịch Hồ Chí Minh) đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Lựa chọn con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là suốt 35 năm đổi mới cho thấy những đúc rút của Người cho đến nay vẫn là “kim chỉ nam” dẫn đường để Việt Nam phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam - ảnh 1Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Trước cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của thực dân và phong kiến tay sai, nỗi thống khổ của nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành khát vọng tìm đường giải phóng dân tộc và có tầm nhìn độc lập, sáng tạo so với các bậc tiền bối. Người quyết chí đi ra nước ngoài tìm đường giải phóng, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cho rằng việc tiếp cận tác phẩm Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin đã mang đến cho Hồ Chí Minh ý tưởng về con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Trước khi Bác Hồ đọc bản luận cương này Người vẫn còn trăn trở. Người vẫn chưa xác định rõ con đường mà dân tộc Việt Nam sẽ đi là con đường nào. Đọc luận cương của Lenin thì Người mới nhận ra được đây là điều mà Người đang tìm kiếm bấy lâu nay. Bởi lẽ Luận cương chỉ ra cho Người rằng con đường dân tộc Việt Nam sẽ đi là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng con người, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam - ảnh 2Từ 25 - 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/ TTXVN

Năm 1941, kết thúc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sứ mệnh là người chỉ lối, dẫn đường, thức tỉnh quần chúng, đoàn kết họ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi thời cơ đến Người đã lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công, sự kiện làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc, thay đổi thân phận của người dân Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán, đó là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Người nhấn mạnh phải thực hiện ngay 4 điều. Đó là làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho rằng: “Bác Hồ giải thích rất đơn giản, ngay từ những ngày bây giờ chính quyền năm 1945-1946: không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng, không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân. Bác dạy cán bộ ta từ lúc hoạch định đường lối chính sách và trong quá trình chỉ đạo thực hiện phải lấy phương châm “Điều gì lợi cho dân ta hết sức làm, điều gì hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Vì cuối cùng nhân dân tin vào lãnh đạo không, chính là họ được hưởng thụ như thế nào”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam - ảnh 3Nguyễn Ái Quốc (người đầu tiên bên trái, hàng đầu) với một số đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 5 Quốc tế cộng sản tại Moskva, từ 17/6 - 8/7/1924. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước Việt Nam hướng tới. Theo Người, chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao vật chất, tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm Chủ nghĩa xã hội là một xã hội, trong đó không có chế độ người bóc lột người. Chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc. Tức là vừa có cuộc sống vật chất no đủ, vừa có đời sống tinh thần phong phú. Một xã hội chủ nghĩa theo quan niệm Hồ Chí Minh là một xã hội do người dân, đồng bào làm chủ”.

Thực hiện mong muốn của Người, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 của Đảng đã khẳng định toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) là ngọn cờ tư tưởng lý luận, là kim chỉ nam của Đảng dẫn dắt toàn dân tộc tiếp tục vững vàng và đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhấn mạnh đến mục tiêu "Dân giàu", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, con đường được Đảng lựa chọn để đi, trước hết phải đem lại cho tất cả người dân một cuộc sống ngày càng giàu đẹp hơn: “Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đấy là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đấy có thể nói là thành quả rất lớn. Tất nhiên cũng có thể còn mặt này, mặt khác, chỗ này chỗ khác, ở các mức độ khác nhau chúng ta chưa đạt được mong, bởi vì chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội quá độ là có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt cái xấu, cái thời kỳ quá độ này là một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ. Cuối cùng, chúng ta phải hướng tới là tiến bộ phải thắng cái ác, cái lạc hậu”.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Mục tiêu và sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính khát vọng của toàn thể nhân dân. Bởi, con đường nào đem lại cho người dân ngày một giàu hơn, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn thì tất yếu như thế mới có một xã hội phát triển thật sự vì nhân dân.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội, tìm đường cứu nước, ngọn cờ

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập