Chủ tịch FED: Hạ lãi suất quá sớm có thể gây rối loạn cho kinh tế Mỹ

Cập nhật: 05/04/2024

VOV.VN - Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 4/4 đề cập đến khả năng hạ lãi suất trong năm nay, sau khi chính sách lãi suất cao thời gian qua “đang phát huy tác dụng” chống lạm phát.

Hiện Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang giữ nguyên mức lãi suất cao nhất 23 năm, trong khoảng 5,25 - 5,5%, với quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của FED gửi tín hiệu về khả năng thực hiện 3 lần giảm lãi cơ bản trong năm nay, dù chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa được kìm hãm như mong muốn.

Trong bài phát biểu tại California ngày 4/4, ông Powell cho rằng, còn quá sớm để nói các số liệu gần đây có bền vững hay chỉ là cú hích tạm thời. FED không kỳ vọng việc hạ lãi suất chính sách là phù hợp, cho đến khi tin tưởng hơn mức lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững.

“Với tăng trưởng của nền kinh tế và tiến bộ về lạm phát cho đến thời điểm này, FED sẽ cân nhắc cho các quyết định về chính sách. Nếu nền kinh tế phát triển như FED mong đợi, hầu hết những người tham gia FOMC đều đồng ý việc bắt đầu hạ lãi suất chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay là phù hợp”, ông Powell nói.

Theo ông Powell, mặc dù kinh tế Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thị trường lao động đang ổn định, song Mỹ cũng không thể nằm ngoài bối cảnh địa chính trị phức tạp, chuỗi cung ứng có nguy cơ gián đoạn, nền kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực. Nếu các nhà hoạch định giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá chậm cũng đều có khả năng sẽ gây hậu quả tiêu cực cho kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, ông Tony Dwyer - Nhà chiến lược trưởng về thị trường của công ty dịch vụ tài chính Canaccord Genuity cho rằng, quý II/2024 có thể xuất hiện những động lực mới thúc đẩy FED tiến hành cắt giảm lãi suất sâu hơn trong năm nay. Theo ông, tình hình xấu đi trên thị trường việc làm và lạm phát “hạ nhiệt” cuối cùng sẽ thúc đẩy FED hành động.

“Tôi không nói FED phải đưa lãi suất trở về con số 0, nhưng họ phải quyết liệt hơn. Một trong những chủ đề căng thẳng nhất tôi nói với khách hàng là dữ liệu đang trở nên xấu đi. Chúng ta đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 3 sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Nhưng theo tôi thấy, hầu hết các con số điều chỉnh đều mang tính tiêu cực. Thế nên trọng tâm hiện tại rất cần thiết đó chính là cắt giảm lãi suất. Việc hạ lãi suất sẽ thúc đẩy cổ phiếu tài chính, hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe”, ông Tony Dwyer lưu ý.

Sau phát biểu của Chủ tịch FED, lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng tương lai giao tháng 6 đạt mức 2318,90 USD/oz. Đà tăng giá của kim loại quý không có dấu hiệu chậm lại sau 7 ngày liên tiếp. Diễn biến này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố kết hợp, trong đó chủ yếu là kỳ vọng vào chính sách lãi suất của FED. Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng hơn 70% FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6, so với mức đặt cược chỉ khoảng 50% vào khả năng này trước khi diễn ra cuộc họp tháng 3 của FED.

Từ khóa: Hạ lãi suất, Hạ lãi suất,Cục dự trữ Liên bang Mỹ, lãi suất cao nhất 23 năm, chỉ số lạm phát, giá vàng tăng mạnh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: châu anh/vov1 (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan