Chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp
Cập nhật: 09/02/2023
(VOV5) -Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp khoảng 25,6% trong GDP năm 2022, các sản phẩm công nghiệp chế biến chiếm tới 89% trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của cả nước… Tuy nhiên, trong năm 2022, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và sự bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ; chi phí vận chuyển, logistics tăng cao, khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đơn hàng bị giảm, thiếu nguyên vật liệu sản xuất…
![]() |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng: Năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số: "Chúng ta cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm. Chính sách thứ hai nữa là tiếp tục đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao, như: các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da.. Thứ ba là áp dụng chuyển đổi số, một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm các chi phí, cũng là một trong những cách để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp."
Về phần mình, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ, cho rằng cần tháo gỡ khó khăn về việc tiếp cận nguồn vốn, để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh: "Mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo tại Hội nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nguồn vốn vẫn còn khó khăn đối với các doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy Sở Công Thương Cần Thơ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải cụ thể để làm sao chỉ đạo các hệ thống tổ chức tín dụng giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn."
Thực tế tăng trưởng công nghiệp của các địa phương trong năm 2022 cho thấy cần tiếp tục phát huy các lợi thế của các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, qua đó đem lại tăng trưởng công nghiệp chung của cả nước cả trong trước mắt và lâu dài. Vì thế, Bộ Công Thương khẳng định sẽ triển khai quyết liệt và có hiệu quả chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực của địa phương.
Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam. Hai trung tâm này dự kiến khởi công trong Quý I/2023, với vai trò là đầu mối kết nối với các trung tâm của các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung - cầu và là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ lên kế hoạch xây dựng các Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các Vùng Kinh tế trọng điểm, để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp để trình báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét thông qua trong giai đoạn 2023-2024 làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới. Huy động tối đa mọi nguồn lực để tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn có tính chất lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới để góp phần phát triển kinh tế đất nước."
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5