Chủ động bảo vệ lợi ích của 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Việt Nam cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam tại nước ngoài.
Để quản lý hiệu quả dòng người di cư và bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, việc ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương giữa các quốc gia được nhiều người coi là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất. Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GMC) được ra đời dựa trên nhu cầu thực tiễn này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự. |
Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và hiện nay đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam. Tại “Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự” diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội, ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Namđã trao đổi với phóng viên VOV về thực trạng di cư hiện nay tại Việt Nam và việc áp dụng, triển khai thỏa thuận này vào thực tiễn.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình di cư của công dân Việt Nam hiện nay và lý do chính phủ quan tâm đến việc thực thi Thỏa thuận GMC?
Ông Vũ Việt Anh: Việt Nam là nước gốc, đồng thời cũng là nước tiếp nhận của di cư quốc tế. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 4,5 triệu người. Số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều: mỗi năm có hơn 100.000 lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp động có thời hạn, hàng chục nghìn người di cư du học hay kết hôn với người nước ngoài… Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, học tập cũng có xu hướng gia tăng, hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài.
Phần lớn trong số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là những người di cư từ những năm 70, 80 sau chiến tranh, thậm chí những năm 90. Nhiều người vượt biên bằng đường biển hay đường bộ một cách bất hợp pháp. Rất nhiều người trong số đó đã bị bỏ lại trên biển, bỏ lại ở biên giới. Đây là một thực tế rất đau xót.
Ông Vũ Việt Anh phát biểu tại hội nghị. |
Khi Liên Hợp Quốc ra Tuyên bố New York vào năm 2016, chúng ta đã ủng hộ tuyên bố đó để quản lý dòng người di cư, tị nạn một cách có trật tự. Từ năm 2016 đến cuối năm 2018 khi Liên Hợp Quốc chủ trương xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự thì Việt Nam đã đóng góp rất tích cực vào tiến trình đó.Chúng tôi đã tham gia tất cả các cuộc họp để đóng góp ý kiến, bày tỏ sự quan tâm của Việt Nam đối với nội dung thỏa thuận này.
Lý do chúng ta quan tâm đến Thỏa thuận GMC bởi vì Việt Nam vừa là nước xuất cư vừa là nước nhập cư, nhưng tỷ lệ xuất cư vẫn lớn hơn. Rất nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài bị lừa gạt, bị lao động cưỡng bức, bị lạm dụng… Do đó, chúng ta cần phải tham gia một thỏa thuận toàn cầu để quản lý dòng người di cư một cách tốt nhất, không những từ góc độ truyền thống là đảm bảo an ninh cho bản thân người di cư, mà từ góc độ kinh tế xã hội, đảm bảo cho người di cư có đầy đủ quyền lợi, đảm bảo nước gốc như Việt Nam và nước tiếp nhận có khung pháp luật điều chỉnh hợp lý sao cho người di cư có thể đóng góp tốt nhất cho công cuộc phát triển của từng quốc gia cũng như quốc tế, đáp ứng được mục tiêu 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
PV: Ông có thể nêu rõ những khó khăn và thách thức khi triển khai thỏa thuận trong thực tiễn bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay và biện pháp khắc phục những khó khăn này?
Ông Vũ Việt Anh: Mục tiêu quan trọng thứ nhất của thỏa thuận GMC là quản lý dòng di cư một cách an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia và mục tiêu quan trọng thứ 2 là hạn chế tối đa di cư bất hợp pháp. Việt Nam quan tâm đến cả hai mục tiêu này.
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay, có 2 vấn đề vướng mắc nhất. Trước hết, vì đây là thỏa thuận bao trùm, liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, do vậy chúng ta phải làm sao để đảm bảo cơ chế phối hợp hài hòa giữa các bộ, các ngành. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm về thực hiện cơ chế liên ngành chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các chỉ đạo từ chính phủ, xây dựng một cơ chế liên ngành sao cho hoạt động hữu hiệu nhất phục vụ cho triển khai thỏa thuận GCM tại Việt Nam.
Thứ 2 là trình độ dân trí tại Việt Nam còn chưa đồng đều. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, người dân dễ bị lừa đảo trong quá trình tuyển dụng. Các công ty môi giới ban đầu có thể quảng cáo là điều kiện lao động tốt nhưng trên thực tế họ phải làm việc tại những nơi dễ bị cưỡng bức lao động, lao động trong những điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn phải đối mặt với những rủi ro và thách thức như chi phí cao, phải chịu một số hình thức vi phạm quyền lao động và tiếp cận rất hạn chế với cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả.
Mục đích của chúng ta là phải làm tốt công tác tuyên truyền để từng người dân, từng người lao động muốn ra nước ngoài hiểu biết rõ về điều kiện làm việc, ăn ở, học tập vì thế họ có thể cân nhắc lựa chọn. Nếu một thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động nhập cư Việt Nam thì họ buộc phải nâng cao chất lượng, điều kiện lao động học tập để thu hút người Việt Nam cũng như du học sinh Việt Nam
PV: Việt Nam có chính sách thế nào để đảm bảo quyền lợi của người lao động sau khi họ chấm dứt hợp đồng lao động ở nước ngoài và trở về nước?
Ông Vũ Việt Anh: Đây là một vấn đề khá phức tạp vì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, tiềm lực của từng giai đoạn cụ thể. Theo tôi được biết hiện nay, Việt Nam có những chính sách rất tích cực trong việc hỗ trợ người lao động ở nước ngoài về nước tìm kiếm công ăn việc làm.
Thực tế mà nói thì lao động của chúng ta hiện nay cũng đang thiếu hụt. Vì thế mới có chính sách nâng cao độ tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm chúng ta đặt mục tiêu là tạo 1 triệu công ăn việc làm nhưng chỉ có 400.000 người bước vào thị trường lao động nên trong tương lai chúng ta sẽ thiếu lao động. Việc người lao động trở về luôn được hoan nghênh. Các chủ lao động và nhà nước đã đưa ra nhiều những chính sách phù hợp để hỗ trợ và thu hút lao động Việt Nam ở nước ngoài trở về.
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.
Từ khóa: lao động Việt Nam tại nước ngoài, lao động di cư, thỏa thuận GCM, Thỏa thuận toàn cầu về di cư, tuyển dụng lao động
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN