Chủ đề năm ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”: Trúng và đúng!

Cập nhật: 07/01/2020

VOV.VN - Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, chủ đề Việt Nam đưa ra cho năm ASEAN 2020 là trúng và đúng, sẽ được các nước thành viên ủng hộ.

Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 cùng lúc gánh trên vai trọng trách của một nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trao đổi với phóng viên VOV, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tạiMỹ, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt NamPhạm Quang Vinh đã chia sẻ các thách thức trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp và khó lường.

chu de nam asean 2020 "gan ket va chu dong thich ung": trung va dung! hinh 1
Đại sứ Phạm Quang Vinh.

PV: Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, ông đánh giá như thế nào về những vấn đề đặt ra ASEAN cần phải giải quyết?

Ông Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn vào bức tranh chung, có thể thấy ASEAN đã trải qua một chặng đường dài và nếu tính từ khi ASEAN đi vào cộng đồng 2015 đến nay đã 5 năm. Tuy nhiên, hội nhập của ASEAN thực sự đã bắt đầu từ giữa những năm 1990. ASEAN giai đoạn tới chắc chắn sẽ đi vào hội nhập kinh tế cao hơn, nếu như trước đây ASEAN đã làm cho lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn với việc giảm hàng rào thuế quan thì ngày nay ASEAN cần phải vươn lên hơn nữa.

Điều này có thể đạt được thông qua một số biện pháp. Thứ nhất, cần hài hòa hóa hơn nữa các quy định. Thứ hai, đưa chính sách một cửa của ASEAN thực sự đi vào cuộc sống. Thứ ba, kết nối để đưa ASEAN vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

ASEAN đã có đà phát triển tốt về hội nhập kinh tế. Trong bối cảnh thương mại, kinh tế quốc tế có khó khăn, khu vực này nhìn chung cơ bản giữ được đà phát triển. Dù thế giới đang nói nhiều đến chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy thì ở Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, đà hội nhập, đà về tăng cường hợp tác kinh tế vẫn được tiếp tục. Tôi cho rằng giai đoạn sau sẽ có bước tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ phối hợp với các nước trong Hiệp hội để thúc đẩy thực hiện lộ trình đã định. Nhìn lại ASEAN mà nói, không phải việc thực hiện lộ trình này luôn tốt và đồng đều trên tất cả các tiêu chí đề ra. Cho nên, chúng ta phải cùng các nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN rà soát lại các tiêu chí để làm sao ASEAN có bước đi mạnh mẽ hướng đến hội nhập cao hơn vào năm 2025.

Clip do Bộ Ngoại giao và Ban Truyền hình Đối ngoại - Đài Truyền hình Việt Nam hợp tác sản xuất.

PV: Lần gần đây nhất Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN là năm 2010, 10 năm trôi qua, theo ông, vị thế và vai trò của Việt Nam đã thay đổi ra sao trong lần trở lại này?

Ông Phạm Quang Vinh: Chủ tịch ASEAN ở mỗi thời điểm đều có thuận lợi và thách thức. Nếu nhìn lại 9, 10 năm trước, khi đó ASEAN mới bắt đầu định hướng xây dựng cộng đồng với việc thông qua Hiến chương ASEAN và thông qua 3 lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN về kinh tế, chính trị an ninh và văn hóa xã hội. Đến nay, chúng ta thấy rất rõ đã có rất nhiều chuyển biển ở tầm toàn cầu, ở tầm khu vực, trong ASEAN và cả chuyển biến của Việt Nam.

Đối với khu vực, thách thức lớn nhất chính là cạnh tranh của các nước lớn. Cạnh tranh này thể hiện cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn trong chiến lược. Chúng ta thấy rõ nhất điều này trong sự bất ổn về kinh tế và quan hệ thương mại giữa các nước hiện nay.

Với ASEAN, Hiệp hội đã đi qua một chặng đường dài. Thành công của ASEAN trong 10 năm qua có thể thấy rõ thông qua việc xây dựng cộng đồng, thuyết phục được các nước lớn công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Để phát triển sang giai đoạn mới và đáp lại được sự kỳ vọng của người dân, ASEAN cần phải vượt lên để xứng tầm.

Đối với Việt Nam, 10 năm qua, về đổi mới phát triển, về vị thế và về hội nhập, Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Về kinh tế, Việt Nam luôn giữ được nhịp phát triển tương đối cao, ổn định. Việt Nam tiếp tục cải cách, đổi mới và rất nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển coi chúng ta là hình mẫu phát triển để vươn lên. Nếu như trước đây, khi bắt đầu đổi mới, chúng ta mang theo khát vọng thoát nghèo thì giờ đây chúng ta theo đuổi khát vọng thịnh vượng.

Hội nhập của Việt Nam thể hiện rất rõ trên các mặt, chúng ta hội nhập toàn diện và sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ thuần túy về kinh tế; Việt Nam đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau ở nhiều diễn đàn, các tổ chức khác nhau; đăng cai tổ chức, thậm chí là có những định hướng, chỉ dẫn cho các tiến trình. Hội nhập kinh tế có bước phát triển vượt bậc về chất. Nếu như trước đây ta mở rộng không gian kinh tế, tham gia vào các diễn đàn kinh tế khác nhau thì ngày nay đã có sự hội nhập sâu hơn, tham gia vào các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều.

Chính những điểm đó tạo cho Việt Nam một vị thế mới, thể hiện rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những công việc chung trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam thực sự là đã thực sự đảm nhận được những vai trò lớn, chẳng hạn như đăng cai APEC, WEF ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN…

PV: Cạnh tranh giữa các nước lớn đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức không chỉ với các quốc gia trong khu vực mà còn trên bình diện thế giới. Theo ông, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này ra sao khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020?

Ông Phạm Quang Vinh: Cuộc cạnh tranh các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung-Mỹ đã và đang đẩy cạnh tranh về kinh tế và thương mại cũng như cạnh tranh chiến lược trên nhiều lĩnh vực khác nhau lên cao. Cuộc cạnh tranh này càng ngày càng được mở rộng, có thể còn kéo dài, có lúc căng, lúc mềm. Trong bối cảnh đó có 3 việc ASEAN phải làm, bao gồm: tiếp tục hợp tác với các nước lớn; tránh rơi vào bẫy cạnh tranh; làm sao để không phải chọn bên.

Để làm được 3 điều này, quan trọng nhất là ASEAN phải xây dựng được nội lực của mình. Nội lực có mạnh, vững về kinh tế, duy trì được ổn định và hòa bình khu vực thì mới có thể thu hút được các nước đến, đồng thời nâng cao được tiếng nói. ASEAN phải có chính sách dựa trên những nguyên tắc và lợi ích của chính mình, của khu vực, đó là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Chia sẻ những nguyên tắc này với các nước lớn, dù họ có cạnh tranh nhau mình vẫn chơi tốt được với tất cả.

ASEAN có những tiến trình trong khu vực gắn kết với các nước lớn, chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+, cấp cao Đông Á… – nơi quy tụ tất cả các nước lớn chủ chốt tham gia. Thông qua đó, ASEAN vừa tham vấn vừa chia sẻ những quan tâm của mình nhưng đồng thời nói với các nước rằng họ có lợi trong gắn kết với khu vực thông qua ASEAN, dựa vào ASEAN. Chính điểm này không chỉ giúp chúng ta làm tốt được vai trò Chủ tịch mà còn nâng vai trò vị thế của ASEAN, đặc biệt thông qua đó thể hiện được vai trò chủ động, vai trò trung tâm của ASEAN.

PV: Việt Nam đã đưa ra chủ đề của ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như các ưu tiên tương ứng. Ông đánh giá như thế nào về chủ đề và những ưu tiên này?

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi cho rằng chủ đề của chúng ta cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là trúng và đúng. Chắc chắn nếu dựa theo chủ đề này thì các nước ASEAN rất ủng hộ. Thứ nhất, sự gắn kết ở đây phải là đoàn kết trong ASEAN, gắn kết chính là tăng cường nội lực của ASEAN. Tăng cường nội lực ở đây không chỉ là đoàn kết mà còn là phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập, gia tăng kết nối và bản thân mỗi nước vừa tự thúc đẩy phát triển kinh tế vừa kết nối với bên ngoài để phát triển tổng hòa, đó chính là gắn kết. Gắn kết phải trên cơ sở nhân lên sức mạnh nội lực của từng nước.

Thích ứng ở đây có thể hiểu nôm na là làm sao có thể xử lý được những thách thức, thay đổi đang đặt ra nhưng phải tranh thủ được cơ hội đi kèm theo những chuyển biến đó. Với vấn đề cạnh tranh nước lớn, phải làm sao để vừa quan hệ được vừa tranh thủ hợp tác được với các nước mà không bị rơi vào bẫy cạnh tranh phải chọn bên. Đang có những xu hướng khác nhau về toàn cầu hóa, về thúc đẩy mở rộng thương mại, bảo hộ mậu dịch thì ASEAN phải dựa trên nguyên tắc và lợi ích của mình, trên luật pháp quốc tế để nói tiếng nói của mình. Câu chuyện liên quan đến hòa bình, an ninh, phát triển khu vực trong đó có an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cục diện thế giới cục diện khu vực cũng có những thay đổi, vậy thì phải dựa trên nguyên tắc của ASEAN bàn với các nước làm sao để có các biện pháp tốt hơn để quản lý, xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Việt Nam cũng đưa ra 5 ưu tiên, gồm: bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho phát triển tại khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Theo tôi, trong mỗi lĩnh vực ưu tiên thì phải tiếp tục có những ưu tiên của ưu tiên, đặc biệt với những đòi hỏi cấp bách, những nguy cơ có thể gây phương hại đến hòa bình, thì ASEAN cần phải bàn đến ngay.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Từ khóa: ASEAN 2020, Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, vai trò Việt Nam trong ASEAN, Chủ tịch ASEAN 2020

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập