Christine Tran: Dạy con tiếng Việt là món quà vô giá tôi dành cho con
Cập nhật: 17/09/2021
(VOV5) -Theo chị Phương Loan, để dạy con hiệu quả thì cần phải đồng hành cùng con, tạo môi trường học thoải mái và tự nhiên để con cảm thấy vừa yêu tiếng Việt và vừa như được chơi với tiếng Việt…từ đó giúp các con thêm yêu quý quê hương Việt Nam.
Với cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, việc dạy tiếng Việt và cho con hiểu biết về văn hóa Việt luôn là mối quan tâm của các gia đình. Họ luôn tin rằng, dạy con tiếng Việt chính là cách để các con hiểu về văn hóa nguồn cội một cách tốt nhất. Với chị Trần Nguyễn Phương Loan (Christine Tran) định cư ở Malaysia thì về việc dạy con tiếng Việt đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Bởi chị có chồng là người gốc Hoa và đang sinh sống ở Malaysia - quốc gia Hồi giáo có sắc màu ngôn ngữ và văn hóa vô cùng đa dạng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bé Celine Kong, 11 tuổi con gái của vợ chồng chị Phương Loan và anh Eddie Kong. Ảnh nhân vật cung cấp |
Năm 2008, sau khi kết hôn với người chồng gốc Hoa, chị Phương Loan quyết định sang Malaysia định cư. Sau chừng 2 năm bỡ ngỡ, chị mới quen được lối sống, ẩm thực và bản sắc văn hóa rất đa dạng của đất nước Malaysia:
“Người Malaysia rất linh hoạt, nhạy bén trong việc dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp từng hoàn cảnh và đối tượng khác nhau.Tôi sống trong cộng đồng người Hoa tại Malaysia. Bất ngờ lớn nhất của tôi trong những ngày đầu sang Malaysia, đó là trong một gia đình nhưng họ sử dụng rất nhiều ngôn ngữ... Điển hình như anh xã nhà tôi nói chuyện với mẹ tiếng Phúc Kiến, nói với Ba tiếng Quảng Đông, giao tiếp với các cháu bằng tiếng phổ thông, chưa kể gặp hàng xóm, đồng nghiệp hoặc đi mua hàng bên ngoài sẽ nói tiếng Mã hoặc tiếng Anh.”
Năm 2010, gia đình chị hạnh phúc chào đón chào công chúa nhỏ Celine Kong. Đến khi bé Celine bi bô tập nói cũng là lúc vợ chồng chị Loan nghĩ đến việc phải dạy con học tiếng, nhưng làm sao để mọi thứ phải tự nhiên nhất có thể và giữ nếp văn hoá, ngôn ngữ đa dạng cho con.
Gia đình nhỏ ấm áp của chị Phương Loan ở Kuala Lumpur. Ảnh nvcc |
Chị Loan chia sẻ: “Tôi trò chuyện với con bằng tiếng Việt, anh nhà nói chuyện với con bằng tiếng phổ thông, bé được học thêm tiếng Quảng, tiếng Phúc Kiến qua mỗi lần ghé thăm ông bà dịp cuối tuần, vợ chồng tôi thì nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, thế là bé được dịp học lóm theo.Năm đầu tiên tôi cũng khá lo lắng vì nghe mọi người nói con sẽ dễ bị rối loạn ngôn ngữ, bé có vẻ chậm nói hơn các bạn khác, nhưng kỳ diệu thay, gần hai tuổi, con phát huy được khả năng nghe hiểu rất tốt, nói được câu hoàn chỉnh như theo cách vợ chồng tôi mong muốn.
Phương Loan (ngoài cùng phải) và những người bạn ở Malaysia |
Gần hai năm nay, măc dù dịch bệnh Covid-19 diễn ra khắp nơi nhưng lớp tiếng Việt tại Kualalampur vẫn được duy trì bằng việc dạy online. Chị Phương Loan cho biết, phương pháp dạy trực tuyến còn giúp các bé ở các tỉnh xa theo học nhiều hơn:
“Các bé trả bài cho cô bằng việc quay video gửi cho cô giáo, việc quay video này phần nào cũng giúp các con nâng cao được thêm khả năng đọc lưu loát, biểu cảm trên video.Bé gái tôi cũng tham gia lớp học này, bé nâng cao được nhiều các khả năng đọc viết, nhắn tin bằng tiếng Việt, cũng như khả năng sử dụng quy đổi, tính tiền Việt mặc dù phải thêm rất nhiều số 0 so với tiền tệ tại Malaysia...Ngoài ra, bé học được thêm ngôn từ dùng tùy theo vùng miền...
“Việc con tôi nói tiếng Việt với tôi hàng ngày cũng giúp tôi vơi phần nào nỗi nhớ nhà, tôi có thể tâm sự, trò chuyện với con bằng tiếng Việt, con gái vẫn thường xuyên gọi điện về nói chuyện với bà ngoại, dì và các anh bằng tiếng Việt, giúp tình cảm gia đình tôi với gia đình càng thêm khăng khít, gắn bó”.
Gia đình chị Loan có homestay và làm về dịch vụ du lịch nên bé Celine Kong thường xuyên được tiếp xúc giao lư với các cô chú bác và những người bạn người Việt du lịch sang Malaysia. |
Ngoài tiếp nhận văn hoá qua các lớp học tiếng Việt, chị Phương Loan còn tạo điều kiện tối đa để bé Celine Kong được tham gia các hoạt động trong cộng đồng người Việt tại Malaysia do sứ quán tổ chức hàng năm như tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Tết độc lập, Tết Thiếu nhi...
Đôi khi, bé Celine được bố mẹ đưa giao lưu với các gia đình người Việt. Ở đây, bé có cơ cơ hội trò chuyện, vui chơi, thưởng thức ẩm thực Việt Nam và kết bạn mới.
“Bé rất thích các món ăn Việt Nam như phở, cơm tấm, chả giò... Hàng tuần tôi luôn thay phiên đưa một hoặc hai ngày món Việt vào các bữa ăn gia đình, bé cũng rất hào hứng phụ mẹ chuẩn bị các bữa ăn, đặt biệt là món chả giò hay còn gọi là nem rán, bé luôn là người tiên phong phụ mẹ cuốn...Hơn một năm nay, vì dịch bệnh nên gia đình tôi chưa được về Việt Nam tham gia đình và bạn bè, đôi khi bé cũng hỏi tôi, khi nào thì con được đi Việt Nam, con nhớ bà Ngoại, má Hai và các anh quá...Mong saodịch bệnh mau qua đi, mọi người đều được nhiều sức khoẻ, để con được đưa con về Việt Nam nhiều hơn, cho con tìm hiểu văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam một cách trọn vẹn nhất, đó chắc cũng là món quà vô giá duy nhất mà tôi mang đến được cho con". Chị Phương Loan chia sẻ,
Chị Loan luôn muốn con được tiếp xúc nhiều nhất có thể để nâng cao khả năng tiếng Việt |
Dạy con tiếng Việtkhông bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình người Việt ở nước ngoài, đặc biệt với gia đình đa văn hóa như chị Phương Loan. Nhưng không gì là không thể, điều quan trọng là việc xác định tâm thế phải duy trì tiếng Việt cho con. Theo chị Phương Loan, để dạy con hiệu quả thì cần phải đồng hành cùng con, tạo môi trường học thoải mái và tự nhiên để con cảm thấy vừa yêu tiếng Việt và vừa như được chơi với tiếng Việt… để từ đó giúp các con thêm yêu quý quê hương Việt Nam.
Từ khóa:
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5