Chồng vay tiền cá độ, vợ có phải trả nợ?

Cập nhật: 17/04/2024

VOV.VN - Pháp luật có quy định cụ thể về các khoản nợ chung, nợ riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như trách nhiệm trả nợ sau khi ly hôn.

Trong quá trình chung sống thì việc vợ chồng phát sinh các khoản nợ chung hoặc nợ riêng của mỗi người là rất phổ biến. Do đó, pháp luật cũng đã có những quy định để điều chỉnh các vấn đề này.

Về các khoản nợ chung: Các khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, hoặc từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm

Các khoản nợ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; Các khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Các khoản nợ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình

Các khoản nợ phát sinh từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; Các khoản nợ phát sinh từ các nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Đối với các khoản nợ riêng: Các khoản nợ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn; Các khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, hoặc phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì vẫn được coi là các khoản nợ chung của vợ và chồng; Các khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; Các khoản nợ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật Thiện Duyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Trong trường hợp, người chồng vay tiền nhằm mục đích cá độ bóng đá hay đánh bạc là hành vi trái pháp luật, không phải vì nhu cầu của gia đình. Do đó, nếu giao dịch vay nợ này là do người chồng một mình thực hiện, người vợ không tham gia xác lập thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì sẽ được coi là khoản nợ riêng của người chồng và người vợ sẽ không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này.

Khi ly hôn, các nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ chung của vợ và chồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Do đó, sau khi ly hôn thì vợ chồng vẫn có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người thứ ba.

Trước hết việc giải quyết nghĩa vụ trả nợ chung sẽ dựa trên sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giữa vợ, chồng và người thứ ba (bên cho vay). Nếu các bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận và thống nhất được với nhau thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Khi đó, tòa án sẽ xem xét, giải quyết nghĩa vụ trả nợ, cũng như phân chia nghĩa vụ trả nợ cho vợ và chồng theo quy định tại các Điều 27, 37 và 45 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và quy định của Bộ luật dân sự.

"Tùy theo yêu cầu của các bên có liên quan thì việc giải quyết nghĩa vụ trả nợ của vợ, chồng đối với người thứ ba sẽ được giải quyết cùng với vụ việc ly hôn, hoặc cũng có thể được giải quyết bằng một vụ việc độc lập khác" - Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết.

Từ khóa: trả nợ, cá độ, quan hệ vợ chồng, hôn nhân, trả nợ sau ly hôn

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thu trang/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập