Chọn trường quan trọng vậy sao?

Cập nhật: 28/02/2021

[VOV2]- Chọn trường cho con là quan trọng. Nhưng ngoài việc học, có lẽ điều quan trọng hơn là rèn cho con em mình kỹ năng sống, biết thích ứng với môi trường, hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống.

"Chọn trường quan trọng vậy sao?" - đặt câu hỏi này, có thể, bài viết sẽ nhận đủ “gạch đá” của nhiều phụ huynh đang trong cơn “sốt xình xịch” trước việc Sở GD&ĐT Hà Nội đặt ra quy định tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo hộ khẩu kể từ kỳ thi năm học 2021-2022. 

Sao lại không quan trọng khi nhiều em học sinh ngay từ bậc học mầm non, tiểu học đã được bố mẹ nhắm vào trường A, trường B?

Sao lại không quan trọng khi nhiều phụ huynh bằng cách này, cách kia phải lo lót bằng được cho con theo học trường nằm trong “top” của thành phố? Phải đôn đáo hao tiền, tốn sức chạy theo vòng xoáy "cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường".

Và sao lại không quan trọng khi có em học sinh đặt niềm tin, giấc mơ của mình vào một ngôi trường yêu thích từ trước đó rất lâu. Hơn thế, còn coi đó là mục tiêu học tập, mục tiêu cuộc sống. Chẳng thế mà có em đã bật khóc, thậm chí suy sụp khi việc tuyển sinh theo hộ khẩu, theo khu vực có thể khiến mình không thực hiện được giấc mơ.

Tuyển sinh theo khu vực, theo hộ khẩu mà Sở GD&ĐT Hà Nội quy định cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 quả là đang khiến cho nhiều gia đình bị vỡ kế hoạch, dự định, không kịp trở tay. Dù cho lãnh đạo Sở nhấn mạnh, nếu học sinh hộ khẩu một nơi mà thực tế sinh sống ở một nơi vẫn có thể làm đơn xin xác nhận để đăng ký tuyển sinh vào một trường THPT phù hợp, nhưng điều đó chưa đủ để xoa dịu sự bức xúc của phụ huynh.

Vâng, đến đây vẫn xin đặt lại câu hỏi, rút cuộc “chọn trường quan trọng vậy sao?”

Bởi nếu nhìn ở góc độ tích cực, việc tuyển sinh theo khu vực, theo hộ khẩu về lâu dài sẽ đảm bảo việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường học. Việc này đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu và không phải chờ đến khi quy hoạch mạng lưới bị xâm phạm nghiêm trọng mới đột ngột đưa ra giải pháp, khiến dư luận bức xúc.

Một lãnh đạo của quận Cầu Giấy, Hà Nội từng than thở, vì sao mấy năm nay, giáo dục của quận luôn rơi vào tình trạng quá tải? Một phần vì tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt nhưng mặt khác, nhiều gia đình dù chuyển đi nơi khác sinh sống từ nhiều năm nhưng vẫn giữ lại hộ khẩu, mục đích chỉ để có một suất học ở Cầu Giấy, bất chấp việc có thể phải đi học xa hay con phải học ở một ngôi trường, lớp học quá tải.

Một góc độ tích cực khác, việc đặt ra quy định tuyển sinh theo khu vực, theo hộ khẩu sẽ góp phần giảm bớt những áp lực, giảm những xáo trộn không cần thiết vào mỗi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT - một kỳ thi mà bấy lâu được ví còn căng thẳng hơn là tuyển sinh Đại học.

Một kỳ thi mà nhiều học sinh bị ám ảnh bởi trường điểm, trường “top”, cố gắng đạt điểm cao để có thể giành một suất vào THPT Chu Văn An, Thăng Long, Kim Liên, Yên Hòa, Trần Phú, Việt Đức hay Phan Đình Phùng… để đáp ứng sự kỳ vọng của bố mẹ.

Một kỳ thi mà các trường được cho là top trên “loại” không hết học sinh giỏi trong khi các trường được cho là top dưới, chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên không hẳn thua kém với các trường  top trên thì chỉ tuyển được học sinh có học lực khá hay trung bình.

Một kỳ thi mà học sinh trúng tuyển vào trường top có thể phải đi học ở một quãng đường dài vắt qua nhiều quận thị khác nhau và có thể phải trải qua 3 năm THPT nhiều cạnh tranh, áp lực.

Đã từng có phụ huynh phải thốt lên sự ân hận khi đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, cùng con chạy đua vào trường top, trường điểm để rồi nhận lại sự mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí kết quả học tập cuối cấp không như là mơ.

Chọn trường cho con là quan trọng. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là rèn cho con em mình kỹ năng sống, có những kiến thức ngoài trường học, biết thích ứng với môi trường, hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Thay vì cạy cục, xin xỏ chuyển hộ khẩu và tạo ra áp lực “con xứng đáng ở ngôi trường này” thì tại sao không tạo cho con một tâm thể thoải mái để bước vào cấp học cuối cùng của phổ thông?  

 

Từ khóa: Tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội, khu vực, hộ khẩu, áp lực, kỳ vọng, chọn trường, chọn lớp

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập