Chọn sai ngành lãng phí cho cả bản thân và xã hội

Cập nhật: 17/05/2022

[VOV2] - Trong tương lai, yêu cầu của nhà tuyển dụng với chất lượng lao động có sự thay đổi. Sự khéo léo cần cù bền bỉ có lẽ không phải là yếu tố quyết định để các bạn được lựa chọn mà đó có thể năng lực thích ứng, tư duy phản biện...

Hậu quả của chọn sai nghề

Tại buổi tư vấn – hướng nghiệp năm 2022, TS. Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dẫn con số trong một khảo sát 2000 sinh viên năm cuối tại TP.HCM của Tập đoàn IBM cho thấy chỉ có 90 sinh viên (chiếm 4.5%) đáp ứng được trên 60% yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo ông, đây là con số báo động nhắc các cơ sở giáo dục ĐH trong công tác tuyển sinh. Đó là trường ĐH cần những thí sinh chất lượng và phù hợp chứ không chỉ nhằm tuyển đủ chỉ tiêu. Theo ông, khi tư vấn cho học sinh, các thầy cô cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trả lời ba câu hỏi của vòng tròn hướng nghiệp:

“Câu hỏi thứ nhất của vòng tròn xuyên tâm hướng nghiệp là bạn phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào?. Câu hỏi thứ 2 là: học ngành nào để làm được nghề đó? Câu hỏi 3 là chọn trường nào học ngành đó để sau này làm được nghề phù hợp năng lực sở trường của mình, thậm chí bậc học nào, nhu cầu thông tin thị trường lao động như thế nào? Nếu các vòng tròn của các câu hỏi có sự giao thoa lớn thì việc lựa chọn đúng và hợp lý”.

Tuyển sinh trong bối cảnh tự chủ với quá nhiều phương thức xét tuyển, rất đa dạng, nếu không khéo và không có tính toán chiến lược, chiến thuật cách thức để chọn thì sẽ gây khó cho thí sinh.

Theo TS. Trần Đình Lý, đã từng có em đang đậu điều chỉnh nguyện vọng sang rớt. Đã có em từng đăng ký tới 48 nguyện vọng nhưng không biết sắp xếp thứ tự nguyện vọng để nhóm ngành trường đó phù hợp với mức độ ưu tiên của mình. Có những trường hợp các em không phân biệt được ngành đó đào tạo đại trà, chất lượng cao hay tiên tiến...

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khẳng định, chọn sai dẫn tới lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội khác không chỉ của bản thân, gia đình mà còn cả xã hội.

Chọn ngành rồi mới chọn trường

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong tương lai, nhiều nghề nghiệp mất đi, bị thay thế bởi robot, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Do đó, sĩ tử cần biết định hướng nghề nghiệp, chọn trường hướng đến thị trường lao động 5-7 năm tới.

Trong tương lai, yêu cầu của nhà tuyển dụng với chất lượng lao động có sự thay đổi, sự khéo léo cần cù bền bỉ có lẽ không phải là yếu tố quyết định để các bạn được lựa chọn mà đó có thể năng lực thích ứng, tư duy phản biện, yếu tố IQ vẫn rất quan trọng nhưng EQ ngày càng quan trọng hơn.

Nói về nguyên tắc chọn nghề, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, học sinh chỉ lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp với sở thích của mình, không nên lựa chọn nghề nghiệp bản thân không có năng lực, chọn những nghề nghiệp nhu cầu xã hội đang cần, phù hợp với giá trị bản thân. Quan trọng là tất cả nguyên tắc khi chọn nghề phải dựa trên số liệu khách quan, mô hình khoa học thực chứng.

“Chúng ta cần biết thị trường lao động đang cần nguồn lao động có trình độ thế nào. Thực trạng thị trường đang chỉ cần số lượng nguồn nhân lực lao động có trình độ ĐH trở lên với tỷ lệ vừa phải nhưng trên thực tế số lượng những người đi tìm việc có trình độ ĐH rất lớn dẫn đến nhiều bạn học ĐH ra chưa kiếm được việc làm phù hợp ngành nghề”.

Cần có những số liệu liên quan tỷ lệ thất nghiệp theo các trình độ chuyên môn, theo năm ở các khu vực thành thị, nông thôn.

Để hiểu bản thân mình có phù hợp ngành nghề nào thì các sĩ tử cũng nên sử dụng bộ công cụ chuẩn của các trường để hiểu mình, hiểu nghề, hiểu trường.

Ở Việt Nam có nhiều nhà trường, nhà khoa học đang xây dựng bộ công cụ chuẩn phù hợp với thông lệ trên thế giới, hệ thống O*net của Hoa Kỳ đang sử dụng lý thuyết Holland cũng xác định thiên hướng nghề nghiệp cho các em. Trường ĐH Giáo dục cũng có những bộ công cụ chia sẻ giúp các em khám phá bản thân mình, thiên hướng nghề nghiệp.

Sau khi chọn được ngành học mới cân nhắc lựa chọn trường dựa. Trên quan điểm “trường nào cũng là trường tốt” nếu có những triết lý giáo dục giúp sinh viên trang bị được kiến thức bề rộng thích nghi với chuyển đổi nghề nghiệp, giúp đầu tư tạo nhiều mối quan hệ ý nghĩa, gây dựng mạng lưới kết nối để các bạn thành công sau này. Đó là những chương trình đào tạo cân bằng được cả kỹ năng mềm, kỹ năng cứng; Những chương trình cung cấp cho các bạn cơ hội học song bằng hoặc học liên thông ngang, liên thông dọc, dễ dàng có chương trình đào tạo cá nhân hóa.

Tiếp đó, người học mới cân nhắc đến các tiêu chí khác như mức độ uy tín, cơ sở vật chất, học phí, khu vực địa lý, điều kiện tuyển sinh, mô hình đào tạo.

Những ngành học nào đang hot?

Thông tin tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh năm 2022, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo & Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cả nước hiện có 240 trường Đại học với quy mô hơn 1.7 triệu sinh viên. Số liệu từ năm 2019-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hằng năm có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp.

Thống kê năm 2020, 10 lĩnh vực, ngành đào tạo có sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 em trở lên với tổng số 204.562 sinh viên (chiếm 83.7%). Trong đó Kinh doanh và quản lý (60.000), sức khỏe (22.000), Khoa học Giáo dục và đào tạo giáo viên (21.000), Công nghệ kỹ thuật (19.000), Nhân văn (16.500), Kỹ thuật (14.400), Khoa học xã hội và hành vi (13.900), Kiến trúc và xây dựng (12.000), Máy tính và Công nghệ thông tin (11.900), Pháp luật (11.800).

Năm 2020 có 5 lĩnh vực có số lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nhất bao gồm: Toán và thống kê 593 em, Thú y 715 em, Dịch vụ vận tải 1.338 em, Dịch vụ xã hội 1.600 em, Nghệ thuật 1.800 em.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm nay với quy trình lọc ảo chung, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh, dựa trên đúng ưu tiên của các em. Đồng thời hạn chế tối đa thí sinh ảo, tạo điều kiện thuận lợi các trường ra quyết định.

Do các trường tự chủ tuyển sinh nên bà Thủy lưu ý thí sinh phải tìm hiểu phương thức tuyển sinh từ các trường ĐH, tuân thủ đúng việc nộp hồ sơ, chứng chỉ, yêu cầu quy trình xét tuyển của trường. Khi biết kết quả sơ tuyển, khi xét tuyển cần sắp xếp theo nguyện vọng ưu tiên nhất từ 1 đến hết. 

Từ khóa: chọn ngành, xu hướng, chọn nghề, xét tuyển, thí sinh, hồ sơ, ưu tiên, lọc ảo, đào tạo, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập