Chọn E-Learning để không bị gián đoạn học tập vì dịch corona

Cập nhật: 12/02/2020

VOV.VN - Trước những diễn biến phức tạp của dịch corona, nhiều trường chọn chuyển sang hình thức học trực tuyến E- Learning.

Thực tế, đào tạo trực tuyến (E-Learning) trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là quá mới mẻ. Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV), nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước đã lựa chọn hình thức E-Learning để đảm bảo việc học tập cho học sinh, sinh viên.

Phóng viên VOV có trao đổi với TS Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội về hình thức học này.

chon hinh thuc e- learning de dam bao viec hoc tap khong bi gian doan hinh 1
TS Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ về phương pháp học trực tuyến E-Learning.

PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh corona, phương pháp học trực tuyến E-Learning phát huy vai trò ra sao, thưa thầy?

TS Dương Thăng Long: Sau khi tiếp cận với thông tin dịch bệnh virus corona, nhà trường đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, song các hoạt động tổ chức đào tạo của nhà trường vẫn tiếp tục khi dịch bệnh đang xảy ra. Lúc này, vai trò của công nghệ thông tin được nhà trường phát huy.Chúng tôi quán triệt tinh thần tạm dừng tập trung sinh viên, nhưng không dừng việc học tập. Sinh viên không cần đến giảng đường để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thông qua các ứng dụng, học sinh và giáo viên vẫn có thể trao đổi và tương tác trực tiếp với nhau, do đó việc học không hề bị gián đoạn. Sinh viên có thể ngồi tại nhà học, nhưng các giảng viên vẫn phải đến trường chuẩn bị học liệu điện tử.

PV: Xin thầy nói rõ hơn về hình thức học trực tuyến trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. So với hình thức học truyền thống, E -Learning có gì khác biệt?

TS Dương Thăng Long: Trong xã hội hiện nay ngày càng không thể thiếu vai trò của mạng viễn thông, các thiết bị đầu cuối cũng ngày càng thông minh hơn, chi phí rẻ hơn tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận trên hạ tầng viễn thông mạnh. Do đó, không có lý do gì lại không đưa các yếu tố công nghệ mới vào dạy học. E- Learing là một phương pháp đào tạo đã phát triển trên thế giới từ rất lâu. Tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, E-Learning được tổ chức triển khai trên diện rộng.

Với phương thức này, người học có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Người dạy cũng có thể tương tác trên hệ thống công nghệ đó.

chon hinh thuc e- learning de dam bao viec hoc tap khong bi gian doan hinh 2
Với hình thức học trực tuyến, sinh viên có thể học tại nhà, theo dõi bài giảng và tương tác trực tiếp với giảng viên.

Nếu tổ chức dạy học trên hệ thống công nghệ, chúng ta có thể ghi nhận được mọi hoạt động của người học một cách minh bạch, không ai có thể làm được những việc dối trá, gian lận, không thể có những yếu tố góc khuất trong quá trình dạy học như hiện nay.

Ngoài ra, nếu đưa vào đó những phân tích dữ liệu lớn AI, sau quá trình học tập, chúng ta sẽ phát hiện được những yếu tố tiềm ẩn, những bất thường trong dạy học, cũng có thể đo đếm hay biết biết được người học đang quan tâm đến yếu tố nào, học được đến đâu, đang có những điểm mạnh gì, để từ đó thiết kế các hoạt động dạy học nhằm tối đa hóa nhu cầu học, phù hợp với năng lực hiện tại. Điều này khác hẳn với cách làm truyền thống.

Phương pháp học E- Learning có 3 cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 mà nhiều trường đang triển khai hiện nay là chỉ đưa bài giảng lên hệ thống, người học dựa vào đó để học tập. Cấp độ thứ 2 là có thể hỏi đáp, tương tác giữa giảng viên và người học. Với cách này, những tương tác không đồng bộ về thời gian.

Còn cấp độ cao hơn, đòi hỏi sức mạnh của công nghệ. Tức phải tổ chức dạy học mặt giáp mặt trên nền tảng công nghệ, thông qua video trực tuyến. Giống như cầu truyền hình trực tiếp, giảng viên ngồi giảng tại các studio, có hệ thống streaming video đến với các thiết bị đầu cuối của sinh viên. Đồng thời nếu người học bật chế độ video lên sẽ có thể trao đổi, tương tác trực tiếp với giảng viên hoặc với các học viên cùng lớp. Mức độ này cần có hệ thống cơ sở vật chất rất tốt.

Hiện nay ĐH Mở Hà Nội cũng đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển hệ thống E-Learning. Chúng tôi đưa AI để phân tích dữ liệu lớn, xác định đặc trưng của từng người học, từ đó đưa ra cho giảng viên những phương pháp dạy học, bài tập phù hợp nhất với người học. Ví dụ như cùng đào tạo về Luật, nhưng sinh viên hướng tới những vị trí việc làm tại cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp, thì case study phục vụ cho quá trình dạy học đó cũng phải khác nhau.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu để phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt, đo lường sự tập trung của sinh viên khi học. Với hình thức thứ 3 của E Learning, học qua các video trực tuyến, nhưng nếu muốn biết sinh viên có chú ý hay không, giảng viên sẽ phải theo dõi màn hình học tập của từng em, như vậy sẽ khá bất tiện. Chúng tôi đang tìm giải pháp để đo lường và đánh giá mức độ tập trung của người học bằng công nghệ.

PV: Ở nước ta, phải chăng việc đào tạo trực tuyến E -Learning vẫn chưa thực sự phổ biến? Để phát triển E - Learning trong các nhà trường hiện nay cần những yếu tố gì, thưa thầy?

TS Dương Thăng Long: Hiện nay một số cơ sở giáo dục đang triển khai dạy học theo E - Learning, nhưng vẫn ở mức độ ban đầu hoặc mới manh nha. Để làm được điều này cần có sự đầu tư kỹ lưỡng.

Trước hết, cần có nội dung, học liệu điện tử. Các học liệu này phải được thiết kế để người học có thể chủ động học giống như đang học trên lớp. Tức là các tài liệu này phải đảm bảo tính “rich- multimedia”, bao gồm các hình ảnh, video, audio... Để xây dựng được các bài học này, rất mất thời gian và tốn kém chi phí. Hiện nay, trường ĐH Mở Hà Nội có khoảng gần 10 ngành xây dựng được các học liệu điện tử này.

Bên cạnh đó cũng cần có những bước thay đổi nhận thức trong tâm lý giảng viên. Nhiều thầy cô đã quen với việc giảng bài bằng phấn trắng bảng đen, lên lớp nói những gì có sẵn trong đầu thay vì phải chuẩn bị những tài liệu điện tử phức tạp. Đây cũng là một trong những khó khăn của các trường khi triển khai.

Đặc biệt, để có thể áp dụng được hình thức học này, cũng đỏi hỏi một cơ sở hạ tầng và sự đầu tư rất lớn. Nếu như để các trường tự làm, không có sự xã hội hóa, liên kết với doanh nghiệp thì sẽ rất khó, không thể triển khai thành công trong ngày một ngày hai.

PV:Xin cảm ơn thầy./.

Từ khóa: học trực tuyến, E Learning, ĐH Mở Hà Nội, dịch bệnh corona, học online

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập