Cho vay tiền bằng thỏa thuận miệng, đòi lại bằng cách nào?
Cập nhật: 08/10/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Việc giao kết hợp đồng vay tiền không lập thành văn bản mà chỉ được xác lập bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý.
Một độc giả có câu hỏi gửi đến VOV.VN: "Tháng 10/2020 tôi có cho ông H là chủ công ty A (công ty của người quen) vay một khoản tiền 3 tỷ đồng để đầu tư làm ăn. Do tin tưởng người quen nên tôi không xác lập và kí kết hợp đồng cho vay. Tôi và ông H chỉ thoả thuận miệng với nhau về khoản vay và ông H cam kết sẽ trả tôi số tiền lãi mỗi tháng tương đương với 20%/năm (tiền lãi được trả trực tiếp vào ngày đầu hàng tháng).
Tuy nhiên, 5 tháng trở lại đây có thể do công ty A làm ăn thua lỗ nên ông H đã không trả lãi hàng tháng cho tôi. Giờ tôi muốn ông H và công ty A trả tiền gốc và 5 tháng tiền lãi chậm trả thì tôi phải làm thế nào? Việc thoả thuận miệng trong trường hợp này có được pháp luật bảo vệ không?
Về trường hợp này, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn giải quyết như sau:
Thứ nhất, về hiệu lực của hợp đồng vay tiền bằng lời nói
Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.”
Theo quy định pháp luật, giao dịch dân sự bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý. Hơn nữa, theo quy định pháp luật, hợp đồng vay tài sản không bắt buộc phải lập thành văn bản. Như vậy, việc giao kết hợp đồng vay tiền không lập thành văn bản mà chỉ được xác lập bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý.
Thứ hai, về yêu cầu đòi lại khoản nợ gốc và lãi
Trong trường hợp này, với những thông tin được cung cấp cho thấy, để đòi lại khoản nợ, bạn có thể tiến hành kiện ra Toà. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn khởi kiện lên Tòa án thì bạn (bên cho vay) nên đàm phán, thỏa thuận với bên vay về việc trả nợ trước. Nếu bên vay vẫn phớt lờ, cố tình không trả nợ thì lúc này bạn có thể khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi làm thủ tục khởi kiện, bạn cần phải có chứng cứ chứng minh tồn tại giao dịch vay tiền theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như: văn bản xác nhận, tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi,…
Ngoài ra, trường hợp bên vay bỏ trốn không trả nợ thì có thể tố giác người này về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Từ khóa: vay, cho, tặng, tiền, đòi
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN