Cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt đến 3 năm tù
Cập nhật: 20/04/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Trong giao dịch dân sự, cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có thể bị áp dụng khung hình phạt tù cao nhất là từ 6 tháng đến 3 năm.
Những năm gần đây, tín dụng tự phát hay còn gọi là hoạt động cho vay lãi nặng phát triển tràn lan với hình thức đa dạng, tinh vi. Những cá nhân và tổ chức cho vay lãi nặng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết cũng như sự cấp thiết của bên vay để đưa ra mức lãi suất cao quá quy định. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, công việc của người đi vay và người thân của họ, mà còn tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay, các bên có thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác, và mức lãi suất vượt quá (nếu có) sẽ không có hiệu lực.
Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định trên tại thời điểm trả nợ. (khoản 1 Điều 468 BLDS).
Cá nhân, tổ chức cho vay mức lãi suất vượt quá quy định thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, cụ thể:
Về xử lý hành chính: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS (điểm d, đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Về xử lý hình sự: Người phạm tội có thể bị xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, trường hợp cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, tùy giá trị tài sản thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt đến 3 năm tù giam.
Mặt khác, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Một số trường hợp trong quá trình đòi nợ, chủ nợ đã cho người đến nhà gây rối, ném chất bẩn… để uy hiếp, hoặc gọi điện, đe dọa, tung những thông tin thất thiệt về người vay và người thân của họ.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội, với trường hợp này ở mức độ nhẹ có thể xem xét xử lý hành chính: hành vi đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con nợ trên mạng xã hội bị xử phạt 5-10 triệu đồng đối với cá nhân (Điều 101 Nghị định 15/2020); tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử phạt 2-3 triệu đồng (điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021); gây mất trật tự công cộng bị xử phạt đến 8 triệu đồng (điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021)…
Mức độ nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội danh như sau:
Hành vi thuê người đòi nợ, ép buộc bên nợ tiền phải trả tiền hoặc gán tài sản trái với ý muốn của họ… nếu đủ yếu tố cấu thành có thể bị xem xét xử lý về các tội như: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), cả hai tội này đều có mức hình phạt cao nhất lên tới chung thân. Hay tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) mức phạt có thể lên tới 20 năm tù giam.
Nếu đối tượng xông vào nhà con nợ để đòi tiền thì có thể bị coi tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nếu đối tượng có hành vi chửi bới con nợ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự, có thể bị xử phạt lên tới 5 năm tù giam.
Hành vi tạt sơn, chất bẩn nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, đối với tội này mức hình phạt lên tới 7 năm tù giam theo quy định tại Điều 318 BLHS.
Nếu đối tượng đánh đập con nợ, người thân của con nợ thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Có thể không cần căn cứ vào mức độ thương tật của nạn nhân, người có hành vi phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân.
Đối tượng có hành vi đạp phá, hủy hoại, phá hoại tài sản của người vay tiền thì có thể xem xét xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS, mức hình phạt của tội này cao nhất 20 năm và áp dụng biện pháp bổ sung.
Còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm của bên chủ nợ đến đâu mà áp dụng quy định pháp luật hình sự để xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tính mạng, sức khỏe ,tinh thần của con người, tài sản do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
Từ khóa: nặng lãi, nặng lãi, cho vay nặng lãi, phạt tù, bộ luật dân sự
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: thu hằng/vov2
Nguồn tin: VOVVN