Cho vay 7,5 tỷ đòi trả hơn 33 tỷ:Vì sao không xem xét tình tiết không phải chứng minh
Cập nhật: 02/03/2023
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST. ngày 17/8/2022 của TAND TP Hải Dương nhận định bà Hợp đã thanh toán hơn 5 tỷ đồng cho bà Hương, nhưng không hiểu vì sao tòa án lại không xem xét tình tiết không phải chứng minh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tổng số tiền nợ đã thanh toán hơn 5 tỷ đồng
Bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Dương nhận định, từ trình bày của các đương sự, đối chiếu với tài liệu là các giấy tính lãi do bà Hương ghi chép, HĐXX nhận thấy các khoản tiền vay đều được tính lãi ngày, với mức lãi suất từ 2,5-3%/tháng, rồi cộng lãi vào gốc để tính lãi tiếp theo. Từ đó HĐXX nhận định, việc tính lãi suất như trên là trái với quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 nên không thể căn cứ giấy biên nhận ngày 25/1/2013 để xác định số tiền nợ bà Hợp chưa thanh toán cho bà Hương.
Nhận định của HĐXX cho thấy, bà Hương không thể đòi bà Hợp trả hơn 33 tỷ đồng theo giấy chốt nợ ngày 25/1/2103 và cũng không thể yêu cầu bà Hợp trả 30 tỷ đồng, theo đơn khởi kiện.
Do tòa án nhận định việc tính lãi là trái luật nên để xác định số tiền bà Hợp thanh toán cho bà Hương phải căn cứ vào nợ gốc, các khoản đã trả giữa bà Hợp và bà Hương và mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước trung bình từng năm.
Khoản 2, Điều 92. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh
Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.
Dù đã chỉ rõ việc bà Hương tính lãi suất trái luật, nhưng đáng tiếc bản án sơ thẩm số 15/2022/DS/ST lại xác định số tiền nợ của bà Hợp với bà Hương từ năm 2008 đến năm 2013 bằng việc xác định giá trị nhà, đất ở khu biệt thự Đỉnh Long và giá trị căn chung cư Ciputra… Từ đó, HĐXX nhận định số nợ được đối trừ tính đến ngày 26/3/2013 mà bà Hợp nợ bà Hương là 25.390.812.800 đồng. Về vấn đề này, VKSND TP Hải Dương có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST, trong đó có nội dung giá trị nhà đất không phải là căn cứ xác định số nợ của các bên, số nợ của các bên phải dựa trên các giấy biên nhận vay nợ.
Đáng lưu ý, căn cứ hồ sơ tài liệu tòa án nhận thấy tổng số tiền nợ bà Hợp đã thanh toán cho bà Hương là 5,2 tỷ đồng. Cụ thể là các khoản tiền: Số tiền 2 tỷ đồng bà Hợp vay bà Hương nhưng nhận trực tiếp từ ông Hoan đã được đối trừ vào tiền nhận chuyển nhượng lô đất 53.05 đứng tên ông Sùng; số tiền 2,5 tỷ đồng bà Hợp đã thanh toán cho bà Hương vào ngày 5/6/2011; số tiền 400 triệu đồng mà bà Hương thừa nhận bà Hợp đã thanh toán vào ngày 5/8/09 (2009-PV); số tiền 300 triệu đồng bà Hợp đã trả bà Hương sau khi các bên viết giấy biện nhận ngày 25/1/2013.
Nợ gốc là bao nhiêu?
Theo đơn trình bày của bà Hợp thì tổng số tiền vay bà Hương là 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào giấy biên nhận, tài liệu ghi chép thu thập được tại hồ sơ vụ án tòa án nhận định số tiền bà Hương cho bà Hợp vay là 9,3 tỷ đồng.
Cụ thể, 11 khoản vay: Ngày 11/11/2008, cho vay 200.000.000 đồng (BL 281); ngày 22/7/2008, cho vay 1.000.000.000 đồng (BL 371); ngày 14/9/2008, cho vay 300.000.000 đồng (BL 370); ngày 25/11/2008, cho vay 300.000.000 đồng (BL 369); ngày 15/01/2009, cho vay 500.000.000 đồng (BL 278); ngày 3/3/2009, cho vay 500.000.000 đồng (BL 274); ngày 31/3/2009, cho vay 3.000.000.000 đồng (BL 279); ngày 4/5/2009, cho vay 500.000.000 đồng (BL 280); ngày 6/6/2010, cho vay 800.000.000 đồng (BL 328); ngày 31/10/2012, cho vay 200.000.000 (BL 276); tháng 9/2009, cho vay 2.000.000.000 đồng (BL 120).
Theo nhận định của tòa án, giữa bà Hương và bà Hợp đều thống nhất xác định ngoài các khoản vay trên thì giữa hai bên còn có nhiều khoản vay khác; mỗi lần bà Hương cho bà Hợp vay tiền thì các bên đều viết giấy biên nhận hoặc viết vào sổ theo dõi. Khi bà Hợp thanh toán nợ thì bà Hương sẽ gạch sổ theo dõi, gạch giấy biên nhận hoặc trả lại giấy biên nhận cho bà Hợp… Các giấy tính lãi do bà Hương ghi chép có tại hồ sơ vụ án không liên tục về mặt thời gian, khoản nợ bị tính lãi ở mỗi giấy là khác nhau. Từ nhận định này, tòa án cho rằng phần trình bày của bà Hợp về số tiền vay 7,5 tỷ đồng là không có cơ sở và các giấy biên nhận đã thu thập được không phản ánh đầy đủ số lần, số tiền bà Hương cho bà Hợp vay nên không thể căn cứ các tài liệu này để xác định khoản tiền nợ gốc bà Hợp chưa thanh toán cho bà Hương.
Tâm sự với phóng viên, bà Đinh Bích Hợp bảo rằng: “Tôi tâm niệm, có vay thì phải có trả. Tuy nhiên, việc nhận định, phán quyết của tòa án phải dựa vào chứng cứ, đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự”.
Sự khác biệt về con số nợ gốc là thấy rõ, trong khi bà Hợp cho rằng chỉ nợ 7,5 tỷ đồng thì tòa án lại cho rằng nợ gốc là 9,3 tỷ đồng. Vậy số nợ gốc thực sự là bao nhiêu?
Trong quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-KNPT-VKS-DS, ngày 30/8/2022 của VKSND TP Hải Dương đối với bản án dân sự sơ thẩm số 15/2022/DS-ST đã chỉ rõ những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, qua đó giúp nhận định số nợ thực sự của bà Hợp là bao nhiêu.
Cụ thể, đối với 4 giấy biên nhận khoản vay ngày 22/7/2008 là 1.000.000.000 đồng; ngày 14/9/2008 là 300.000.000 đồng; ngày 25/11/2008 là 300.000.000 đồng và ngày 31/10/2012 là 200.000.000 đồng đã chỉ rõ những tình tiết, theo VKSND TP Hải Dương bản án nhận định bà Hợp trình bày đã thanh toán xong các khoản nợ theo 4 giấy biên nhận trên nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ đế chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận. Theo 4 giấy biên nhận này thì tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng.
Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP Hải Dương có nội dung: Tổng số tiền 1.800.000.000 đồng bà Hợp đã trả nợ bà Hương theo 4 giấy biên nhận nêu trên đã được các bên đương sự công nhận là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, nhưng HĐXX lại xác định bà Hợp chưa thanh toán các khoản vay này với căn cứ do bà Hợp không cung cấp được chứng cứ là vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 92 Bộ Luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai của bà Hương ngày 29/10/2014 tại TAND TP Hải Dương (BL 605-606) thể hiện: “Toàn bộ số tiền tại các giấy biên nhận nợ của các ngày 22/7/2008 bà Hợp vay 1 tỷ, ngày 14/9/2008 vay 300 triệu đồng, ngày 25/11/2008 vay 300 triệu đồng và giấy biên nhận ngày 31/10/2012 do anh Nguyễn Văn Thành nhận tiền vay hộ bà Hợp 200 triệu (anh Thành ký nhận) không nằm trong tổng số tổng số nợ 33.127.000.000 đồng mà tôi và bà Hợp đã chốt nợ. Tất cả các khoản tiền trong giấy biên nhận nợ trên bà Hợp đã trả cho tôi hết”.
Từ dẫn chứng trên, VKSND TP Hải Dương cho rằng, tổng số tiền 1,8 tỷ đồng bà Hợp đã trả nợ bà Hương theo 4 giấy biên nhận nêu trên đã được các bên đương sự công nhận là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, nhưng HĐXX lại xác định bà Hợp chưa thanh toán các khoản vay này với căn cứ do bà Hợp không cung cấp được chứng cứ là vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 92 Bộ Luật tố tụng dân sự. Còn theo bà Hợp, với 4 giấy vay nợ này thì bà và luật sư đã có trình bày với tòa án nhưng không được xem xét.
Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh ở trên đã chứng minh yêu cầu của bà Hợp là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, vì sao HĐXX không xem xét những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh đã được VKSND TP Hải Dương chỉ ra là vấn đề mà dư luận đang quan tâm./.
Từ khóa: vụ cho vay 7, 5 tỷ đòi trả 33 tỷ ở Hải Dương, vụ cho vay lãi suất cao ở Hải Dương, tín dụng đen ở Hải Dương
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN