Chở cát nặng gây sập cầu, lái xe tải phải chịu trách nhiệm gì?
Cập nhật: 23/03/2024
“Nổ” có khả năng chạy thủ tục thuê nhà ở xã hội, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Bộ Công an: Bảo đảm tuyệt đối bình yên cho người dân đón Tết Nguyên đán
VOV.VN - Theo luật sư, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ có dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.
Liên quan đến vụ việc, xe tải chở cát gây sập cầu Ba Ven, bắc qua suối ở xã Lộc Khánh, công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước củng cố hồ sơ để xử phạt tài xế xe tải
Tài xế của vụ việc là Trần Văn Tài (SN 1983, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Hiện tài xế đang bị thương và được cấp cứu tại Bệnh viện huyện Lộc Ninh. Sau khi tài xế khỏe lại, công an sẽ mời làm việc. Hiện, công an huyện đã làm việc với chủ phương tiện để củng cố hồ sơ.
Theo lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh, chính quyền xã Lộc Khánh đã cắm bảng cảnh báo: cầu yếu, cấm xe trên 3,5 tấn đi qua ở 2 đầu cầu. Mặc dù có bảng cấm nhưng tài xế vẫn cho xe qua. Riêng xác xe tải đã nặng 6 tấn, chưa kể trên xe còn chở đầy cát. Hiện nay, Công an huyện đang thành lập hội đồng để củng cố hồ sơ, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố tài xế tài xế theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, nội dung vụ việc và trách nhiệm của các bên liên quan là như thế nào thì còn phải chờ vào kết quả điều tra, xác minh và giải quyết của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu đã có biển cảnh bảo cầu yếu, cấm xe trên 3,5 tấn đi qua ở hai đầu cầu nhưng tài xế vẫn điều khiển cho xe (vượt quá trọng tải của cầu) đi qua dẫn đến sập cầu thì hành vi này đã vi phạm các quy định tại Điều 9, Điều 11 và Điều 28 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.”; “Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.”; và “Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.” Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về chế tài hành chính, luật sư Hùng phân tích, theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ thì hành vi “điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng” sẽ bị xử phạt từ từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 tháng đến 5 tháng.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hùng, nếu tài xế là chủ xe hoặc không phải chủ xe nhưng được chủ phương tiện giao để thực hiện hành vi vi phạm nêu trên thì tài xế hoặc chủ phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 14 và Khoản 15 Điều 30 Nghị định số 100/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó: “Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 140.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi thực hiện hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 33 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 33 Nghị định này.”. Mặt khác, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm quy định này còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có). Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển xe cơ giới), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 tháng đến 05 tháng.
Nếu gây hư hại cầu, đường thì các hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Về trách nhiệm hình sự, theo luật sư Hùng, do trong vụ việc này không có thiệt hại về người nên việc hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội phạm hay không sẽ phụ thuộc vào giá trị thiệt hại về tài sản. Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì ”người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ có dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Vì vậy, để có căn cứ giải quyết vụ việc thì cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành điều tra, xác minh để xác định chính xác thiệt hại về tài sản trong vụ việc này.
Về trách nhiệm dân sự, theo vị luật sư này, xe tải là phương tiện giao thông vận tải cơ giới, đây là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.” và “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
“Theo quy định này, nếu tài xế là chủ xe thì người này sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại đã gây ra do việc làm sập cầu. Còn nếu tài xế chỉ là người lái xe thuê, người làm công hưởng lương cho cá nhân hoặc tổ chức khác thì cá nhân hoặc tổ chức này sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và có quyền yêu cầu tài xế phải bồi hoàn cho mình theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”- luật sư Hùng phân tích.
Từ khóa: sập cầu, sập cẩu, chở cát gây sập cầu,cầu Ba Ven, Bình Phước
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN