Chính trường Mỹ “nóng” trước phiên bỏ phiếu về điều tra luận tội Tổng thống
Cập nhật: 29/10/2019
Azerbaijan lên tiếng về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay chở khách
Tổng thống Putin gửi lời chia buồn vụ rơi máy bay của Azerbaijan
VOV.VN - Dù kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, thì vấn đề luận tội vẫn sẽ khiến cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ càng thêm quyết liệt.
Bất chấp sự “không hợp tác” của đảng Cộng hòa, các nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ vẫn không từ bỏ ý định dùng quy trình trong nghị viện để phế truất Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Cuộc bỏ phiếu đầu tiên về cuộc điều tra “luận tội” Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 31/10 tới. Dù kết quả ra sao, thì vấn đề này vẫn sẽ khiến cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ càng thêm quyết liệt.
Tổng thống Trump. Ảnh: CNN |
Hạ viện Mỹ ngày 31/10 sẽ tiến hành bỏ phiếu về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra luận tội Tổng thống, xem đây như câu trả lời cho yêu cầu “tuân thủ đúng quy trình” của phe Cộng hòa. Từ nhiều tuần nay, Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra do phe Dân chủ khởi xướng là bất hợp pháp khi được tiến hành mà không có sự thông qua tại một phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Họ luôn tìm cách phát động một cuộc săn phù thủy nhằm vào tôi, từ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, tới những cáo buộc về mối quan hệ với Nga hay những gì đang diễn ra hiện nay. Họ không thể đánh bại chúng tôi thông qua thùng phiếu và vì thế tìm cách đánh bại chúng tôi theo một cách lỗi thời.”
Trong bức thư gửi tới các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh, nghị quyết về giai đoạn tiếp theo của tiến trình luận tội Tổng thống sẽ hỗ trợ cuộc điều tra và sẽ lần đầu tiên cho phép mở các phiên điều trần công khai.
Tuy nhiên, trong một dấu hiện cho thấy nỗ lực này là không hề dễ dàng, ông Charles Kupperman, trợ lý trước đây của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngay trước đó đã từ chối ra trình diện trước 3 ủy ban chịu trách nhiệm điều tra các hành vi bị cáo buộc là phạm tội của Tổng thống.
Theo Chủ tịch Ủy ban tình báo Adam Schiff, dù việc ông Charles Kupperman không có mặt là một sự đáng tiếc, song đảng Dân chủ sẽ không từ bỏ ý định của mình:
“Chúng tôi sẽ không cho phép Nhà Trắng trì hoãn cuộc điều tra. Mọi hành vi cản trở như thế này, mọi nỗ lực ngăn chặn Quốc hội, cũng tức là ngăn chặn người dân biết rõ hành vi sai trái của Tổng thống sẽ chỉ khiến ông ấy đối mặt với một vụ án công khai về việc cản trở Quốc hội”, ông Schiff nói.
Phe Dân chủ cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã lạm dụng quyền lực khi yêu cầu một nhà lãnh đạo nước ngoài, mà cụ thể ở đây là Tổng thống Ukraine Volodimir Zelenski, điều tra cựu phó Tổng thống Joe Biden, đồng thời là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm sau.
Cuộc điều tra do phe Dân chủ khởi xướng chính thức bắt đầu từ ngày 24/09 vừa qua. Dựa trên báo cáo điều tra của các ủy ban, Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể soạn thảo và phê chuẩn dự thảo luận tội chống lại Tổng thống. Dự thảo này sau đó sẽ được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu. Dù có thể dễ dàng được thông qua tại Hạ viện khi chỉ cần đạt số phiếu trên 50%, song tại Thượng viện lại là một vấn đề khác.
Nỗ lực buộc Tổng thống Donald Trump phải rời Nhà Trắng trước thời hạn kết thúc nhiệm kỳ sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của toàn bộ Thượng nghị sĩ Dân chủ và khoảng 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đồng ý phản bội đảng. Đây là một rào cản rất lớn vì đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện và cũng không có nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa tán thành viện luận tội ông Donald Trump. Hơn nữa, chuyện một Tổng thống đương nhiệm bị phế truất cũng là chưa từng có tiền lệ tại Mỹ./.
Từ khóa: Hạ viện Mỹ, luận tội Tổng thống, Tổng thống Mỹ
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN