Chính sách tiền lương từ 01/07/2022 có gì đáng chú ý?

Cập nhật: 19/08/2022

[VOV2] - Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến thị trường lao động và đời sống người hưởng lương.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm bình quân 6% so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, cụ thể:

Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP là Nghị định đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương tối thiểu giờ được áp dụng từ ngày 1/7/2022 như sau: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. Với những người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề (tức có bằng nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học,…) thì được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định.

Trong Nghị định 38/2022/NĐ-CP, nội dung này đã bị bãi bỏ. Thay vào đó, Nghị định 38 chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Huyền Lê - Trưởng phòng Tiền lương, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: "Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Nghị định 38/2022/NĐ-CP sẽ tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác."

Để được giải đáp các thắc mắc liên quan tới chính sách tiền lương hiện nay, mời các bạn nghe toàn bộ chương trình Tư vấn chế độ chính sách với bà Nguyễn Huyền Lê – Trưởng phòng Tiền lương, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Từ khóa: tiền lương 2022, lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu giờ, lương lao động hợp đồng

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập