Chính quyền Tổng thống Trump vẫn đậm “chất Mỹ” và ưa thích can thiệp

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Dù nhận phải nhiều lời lẽ chỉ trích về sự biệt lập, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump vẫn thể hiện đường lối cứng rắn và can thiệp quen thuộc.

Nội bộ giới chính sách đối ngoại Mỹ và đồng minh của họ trong báo giới có một tỷ lệ ngày càng đông cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ và đang đẩy đất nước này vào bên trong một cái kén cô lập.

chinh quyen trump van mang dam ban chat my va ua thich can thiep hinh 1
Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Reuters.

Một tác giả tiêu biểu cho quan điểm này là cây bút của tờ New York Times (Mỹ) David Brooks -người khẳng định thẳng thừng rằng “nước Mỹ đang rút lui khỏi thế giới”. Theo ông này, các kết quả “tiêu cực” của động thái này đang xuất hiện dần như cách Trung Quốc đối xử với đặc khu Hong Kong, các hành động của Nga, và hành vi của Iran ở Trung Đông.

Brooks cho rằng việc Mỹ từ bỏ “trật tự quốc tế tự do” có thể sẽ làm lan rộng hơn nữa những hậu quả không may.

Tuy nhiên quan điểm của David Brooks có một số vấn đề.

Thứ nhất, khái niệm “trật tự quốc tế tự do” thực ra chỉ là cái cớ mà Mỹ dựa vào để mở rộng ảnh hưởng ra ngoài thông qua mạng lưới các liên minh quân sự và các thể chế chính trị và kinh tế quốc tế mà Mỹ ngự trị. Trên thực tế, chính Mỹ và các đồng minh của mình lại thường xuyên vi phạm các chuẩn mực quốc tế dựa trên luật lệ hễ khi nào họ cảm thấy hành động như vậy là thuận tiện.

Thứ hai, quan điểm cho rằng chính sách đối ngoại của ông Trump là sự rời xa đáng kể chính sách của các tổng thống tiền nhiệm kể từ Thế chiến 2 cũng là điều kỳ lạ. Đặc biệt là trong các vấn đề an ninh.

Mặc dầu lời lẽ của ông Trump dành cho các đồng minh lâu năm của Mỹ đôi lúc nghe rất nặng nề, thiếu thân thiện nhưng về cơ bản các hành động thực tế của ông không khác mấy với thông lệ hậu Thế chiến 2. Thực sự không có bằng chứng tin cậy nào cho thấy ông đang xúc tiến việc rút lui khỏi vô vàn các cam kết và sáng kiến an ninh toàn cầu của Washington.

Đặc biệt quan điểm về sự biệt lập nói trên càng trở nên kỳ quái nếu xem xét đến việc Mỹ vừa đứng bên miệng hố chiến tranh với Iran.

Vẫn can thiệp quân sự vào Trung Đông

Hồi tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Trump hứa hẹn chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan, ông nhanh chóng “bội ước” và cuộc chiến của Washington ở quốc gia châu Á này vẫn tiếp tục mà chưa thấy dấu hiệu rõ ràng là sẽ chấm dứt sớm. Tương tự Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự ở Syria và vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực viển vông là lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad. Thực tế, hành động quân sự của Mỹ ở đây đã leo thang, với các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa vào các lực lượng của chính phủ Syria.

Tổng thống Trump cũng không chấm dứt chính sách của chính quyền Tổng thống Obama là ủng hộ Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen, bất chấp việc lực lượng của các đồng minh của Mỹ ở đây có thể đã phạm phải các tội ác chiến tranh. Thực tế mối quan hệ tổng thể của Mỹ với Saudi Arabia còn mở rộng thêm dưới thời ông Trump, và vị Tổng thống này thậm chí đã phủ quyết một giải pháp của Quốc hội Mỹ muốn chấm dứt sự dính líu của Mỹ vào nỗ lực chiến tranh của đồng minh tại Yemen. Và đáng ngại hơn, chính quyền Trump lại đang theo đuổi chính sách đối đầu với Iran. Tức là người ta sẽ vô vọng trong việc tìm kiếm dấu hiệu khẳng định Mỹ “rút lui” khỏi Trung Đông.

Vẫn xoay trục sang Đông Á

Tình hình can thiệp của Mỹ cũng sôi nổi ở Đông Á. Hải quân Mỹ tăng cường các chuyến tuần tra “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Sự ủng hộ của Washington dành cho Đài Loan đã tăng hơn là giảm. Ông Trump háo hức ký đạo luật đi lại mới liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc), trong đó lần đầu tiên chính quyền Mỹ cho phép các cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan. Hồi tháng 5/2019 đã có một cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và một vị quan chức tương ứng của Đài Loan.

Tổng thống Trump cũng thậm chí nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn mạnh như trước đây. Và dù có một số khác biệt với Hàn Quốc về chính sách đối với Triều Tiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sắp hạ cấp hoặc chấm dứt liên minh quân sự với Seoul.

Không rời bỏ châu Âu

Điều tương tự cũng áp dụng đối với khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hồi tranh cử năm 2016, ông Trump gọi NATO là “lỗi thời”. Nhưng khi nhậm chức, ông và đội ngũ của mình nhanh chóng làm điều ngược lại. Vướng mắc chủ yếu của ông Trump hiện nay với các đồng minh chỉ là vấn đề chia sẻ gánh nặng tài chính.

Washington đã ủng hộ việc mở rộng NATO hơn là thu hẹp tổ chức này. Họ hậu thuẫn cho Montenegro và Macedonia với tư cách là các thành viên mới của NATO. Các lực lượng Mỹ tham gia vào số lượng ngày tăng các cuộc tập trận của NATO ở Đông Âu và Biển Đen. Ngoài ra, chính quyền Trump hiện đang thương thuyết để xây một căn cứ dài lâu ở Ba Lan. Trái với các khẳng định cho rằng ông Trump đang làm hài lòng Nga, Mỹ đã và đang huấn luyện các binh sĩ Ukraine và thực hiện không chỉ một mà hai thương vụ bán vũ khí cho Kiev. Như vậy không có vẻ gì là chính quyền Tổng thống Mỹ Trumpo thực thi chính sách rút khỏi châu Âu.

Đối với các vấn đề phi quân sự, Washington cũng không hẳn thoái lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Việc Mỹ rút khỏi Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương cũng như việc Mỹ va chạm thương mại song phương với Canada, Mexico và Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ sẽ ít kết dính với thương mại toàn cầu. Thay vào đó, họ đang nhắm tới hoạt động buôn bán với điều khoản có lợi hơn cho họ. Mức độ khôn ngoan của cách tiếp cận này vẫn là điều gây tranh cãi nhưng đó không phải là vì họ đang lún sâu vào chủ nghĩa biệt lập.../.

Từ khóa: Chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump, bản chất Mỹ, đậm chất Mỹ, chủ nghĩa can thiệp,

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập