Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 sẽ giải quyết được “bài toán khó” ở Trung Đông?

Cập nhật: 6 ngày trước

VOV.VN - Sự trở lại ngoạn mục của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay đang làm dấy lên những tia hi vọng rằng chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn ở Trung Đông.

Ngay sau khi nước Mỹ gọi tên người chiến thắng sau ngày bỏ phiếu 5/11, nhiều lời chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới liên tục được gửi tới Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các nhà lãnh đạo Trung Đông như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi,... cũng không bỏ qua cơ hội này để khẳng định sự ủng hộ với chính quyền mới trước thềm một cuộc chuyển giao quyền lực lớn. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột Gaza nổ ra, Morocco cũng đã tái khẳng định mối quan hệ với Israel.

Cây viết Sabrina Soffer của tờ The Hill nhận định, dù đó là những thủ tục chính trị hay sự hài lòng thực sự với kết quả bầu cử Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Đông đều lo ngại về phong cách lãnh đạo ngẫu hứng và khó đoán của ông Trump trong nhiệm kỳ tới có thể tác động nhiều đến các chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên đã cho thấy ông Trump là “không ngại hành động”. Điều này được thể hiện qua việc mở rộng Hiệp định Abraham nhằm bình thường hóa quan hệ giữa 3 nước Israel, UAE, Bahrain và quyết định ra lệnh ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani cùng trong năm 2020.

Sự trở lại ngoạn mục của ông Trump

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 chứng kiến một sự đảo ngược trong tỷ lệ ủng hộ trong số các cử tri gốc Ả Rập dành cho ứng viên lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa. Khác với năm 2020 khi tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ gốc Ả Rập dành cho Tổng thống Biden gần như áp đảo, ông Trump lại thành công giành được lòng tin của nhóm cử tri này từ đối thủ đến từ đảng đối lập Kamala Harris.

Thành phố Dearborn thuộc bang Michigan từng được gọi là "Thủ đô Jihad của Mỹ" nhờ phần đông dân cư có gốc Trung Đông đã chuyển “đỏ” trong cuộc bầu cử năm nay. Trong một bước ngoặt đáng chú ý, những cử tri này đã bỏ phiếu cho ông Trump vì tìm thấy tiếng nói chung với một ứng cử viên có lập trường ủng hộ Israel và là người đã ban hành Lệnh cấm người Hồi giáo tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2017. Ông Trump cam kết sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế trong cung cấp khí tài quân sự cho Israel ngay sau khi nhậm chức và nhiều lần thúc giục Tổng thống Netanyahu nhanh chóng kết thúc chiến sự ở Gaza trong suốt chiến dịch tranh cử.

Thị trưởng Michigan Amer Ghalib – một người Mỹ gốc Ả Rập đến từ đảng “xanh” đã công khai ủng hộ ông Trump và đặt hi vọng vào chính quyền mới trong việc lập lại hòa bình ở Trung Đông, sau khi cảm thấy "bị bỏ rơi" bởi "phía bên kia", ám chỉ đảng Dân chủ.

"Ưu tiên của cộng đồng chúng tôi tại thời điểm này là đạt được lệnh ngừng bắn và mang lại hòa bình cho Trung Đông. Thế nhưng trong suốt thời gian tại vị vừa qua, bà Kamala Harris đã không thế làm được điều đó", ông Ghalib nói.

Theo bà Soffer, chính quyền Biden-Harris đã thất bại trong việc mang lại sự ổn định cho khu vực sau sự kiện 7/10/2022, do chính sách đối ngoại thiếu đồng nhất và không rõ ràng. Tuyên bố ngừng viện trợ cho Israel nếu nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah (Gaza) dường như chỉ là một tuyên bố suông. Việc xóa Houthi khỏi danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài vào năm 2021, sau đó lại tái chỉ định lực lượng này là một nhóm khủng bố vào đầu năm 2024 cũng cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm.

Cuối cùng, nỗ lực kêu ủng hộ từ đa dạng thành phần cử tri của bà Harris, bao gồm cả việc chạy các quảng cáo đồng thời cho các nhóm cử tri “đối địch” là người Mỹ gốc Ả Rập và gốc Do Thái ở Michigan và Pennsylvania, đã đến tác dụng ngược và góp phần tạo đà cho sự trở lại của ông Trump.

Hòa bình thông qua sức mạnh

“Rõ ràng, vấn đề Trung Đông là một bài toán khó mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giải sai cách. Mỹ có tiếng nói lớn trên trường quốc tế và nếu tiếng nói này được sử dụng đúng cách thì Washington sẽ có lời giải cho mọi cuộc xung đột”, bà Soffer nói.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, rút ​​khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và công nhận Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel. Tổng thống đắc cử cũng ký một sắc lệnh hành pháp năm 2019 về chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, mở rộng các biện pháp bảo vệ theo Đạo luật VI đối với các hành vi bài Do Thái theo định nghĩa của Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế.

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, ông Trump cam kết xóa bỏ quyền công nhận các trường đại học không giải quyết được vấn đề bài Do Thái và tuyên bố sẽ trục xuất những người không phải công dân tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ Hamas bất hợp pháp. Tổng thống đắc cử cũng nhắc đến khả năng cắt giảm tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và công trình của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) tại Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh một số nhân viên của cơ quan này bị Israel cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10.

Về phía Iran, Tờ Wall Street Journal trước đó đưa tin, bất chấp “thù địch lẫn nhau”, Washington và Tehran vẫn có thể đạt được thỏa thuận ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump. Tuy nhiên, các nguồn tin của tờ báo này không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tăng cường đáng kể áp lực trừng phạt đối với Iran, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Mỹ cũng có thể tranh thủ xu hướng hợp tác đang lên, điển hình là việc UAE và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao để khuyến khích thêm nhiều quốc gia Ả Rập hòa giải với Israel. Thực tế là sau thỏa thuận lịch sử mà UAE và Israel đạt được và với những động thái thúc đẩy tích cực của Mỹ, Bahrain là quốc gia tiếp theo đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Với tư cách là nhà lãnh đạo của một trong những cường quốc trên thế giới, ông Trump đang đứng trước cơ hội lớn để chứng minh rằng, sự lựa chọn của các cử tri Mỹ sẽ mang lại cho cả Trung Đông và Washington. Vẫn tồn tại nhiều khúc mắc mà người Mỹ chưa hẳn đã đồng tình với ông Trump; tuy nhiên, chính sách đối ngoại phải là ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo để đảm bảo trật tự toàn cầu.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Do Thái, phải nhận ra rằng "hòa bình thông qua sức mạnh" là cách tốt nhất để tiến về phía trước. Nếu đi theo hướng này, chính sách đối ngoại của ông Trump rất có thể sẽ phát huy hiệu quả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay”, bà Soffer nói.

Từ khóa: Trump, Trung Đông,Mỹ,Israel

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập