Chính quyền ông Biden chạy đua hỗ trợ vào phút chót cho Ukraine
Cập nhật: 07/11/2024
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch thúc đẩy việc cung cấp hơn 6 tỷ USD còn lại hỗ trợ an ninh cho Ukraine trước Ngày Nhậm chức giữa lo ngại nguồn cung vũ khí sẽ dừng lại khi ông Donald Trump nắm quyền.
Kế hoạch trên là lựa chọn duy nhất mà Nhà Trắng có để duy trì việc cung cấp trang thiết bị cho Ukraine nhằm đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần đối mặt. Thường sẽ phải mất một vài tháng để đạn dược và trang thiết bị đến được Ukraine sau khi một gói hỗ trợ được thông báo nên bất kỳ thứ gì được triển khai trong những tuần tới đều không thể đến tay Kiev đầy đủ cho đến khi ông Trump lên nắm quyền và vị tổng thống này có thể dừng các chuyến vận chuyển trước khi chúng được đưa tới thực địa.
Một trở ngại lớn với việc đẩy nhanh quá trình viện trợ đó là Mỹ chỉ có thể cung cấp các thiết bị sẵn có trong kho vũ khí của mình. Mặc dù số tiền được phân bổ sẽ hoàn trả cho Lầu Năm Góc cho các thiết bị đó nhưng điều đó phụ thuộc vào việc các loại đạn pháo và vũ khí mới có thể được sản xuất và ký hợp đồng nhanh như thế nào để thay thế chúng.
"Chúng tôi sẽ cung cấp bất kỳ thứ gì mà ngành công nghiệp quốc phòng cần để sản xuất mỗi tháng nhưng vấn đề là bạn chỉ có thể gửi những vũ khí này khi chúng được sản xuất", ông Mark Cancian, cựu quan chức phụ trách ngân sách của Bộ Quốc phòng hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay. Theo ông: "Chúng quyền có thể sử dụng kho dự trữ và cung cấp thiết bị nhanh hơn nhưng hiện chưa rõ liệu Lầu Năm Góc có muốn làm như vậy không bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của họ".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ - Trung tá Charlie Dietz cho biết, Lầu Năm Góc vẫn "sẽ đi đúng hướng trong việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm sự hỗ trợ trong những tuần tới".
Số tiền còn lại từ gói viện trợ cho Ukraine trị giá 61 tỷ USD của tháng 4 được chia thành hai khoản. Trong đó, có 4,3 tỷ USD được sử dụng để rút các phương tiện trong các kho dự trữ hiện tại và 2,1 tỷ USD được sử dụng để đưa các vũ khí vào hợp đồng với các công ty quốc phòng Mỹ.
Trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 9/2024, Tổng thống Biden đã chỉ đạo Lầu Năm Góc phân bổ khoản viện trợ quân sự còn lại mà Quốc hội đã thông qua cho Ukraine trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Điều đó bao gồm các kế hoạch phân bổ số tiền còn lại của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, số tiền mà chính phủ có thể sử dụng để đưa vũ khí vào sản xuất cho Ukraine thay vì mua chúng trong kho vào cuối năm 2024.
Ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử JD Vance chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden vì đã chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong khi toàn bộ châu Âu chỉ có thể xoay xở với ngân sách tương đương với số tiền Washington đã cung cấp. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ cần hành động nhiều hơn cho Ukraine và có thể sẽ coi chiến thắng của ông Trump là một bước ngoặt buộc họ phải đầu tư nhiều hơn vào ngành quốc phòng của chính mình, cũng như cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn cho Ukraine nếu tình hình trong nước cho phép.
"Điều đầu tiên ông Trump sẽ làm là cắt giảm viện trợ cho Ukraine", Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc phụ trách NATO và châu Âu dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định. Theo ông: "Ông Trump sẽ làm lớn việc này. Ông ấy sẽ nói rằng "đã giữ lời hứa" nhưng tôi chắc chắn ông ấy sẽ dừng lại sớm".
Một vấn đề lớn hiện nay là ông Biden vẫn từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ tài trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Vấn đề này đã gây tranh cãi trong nhiều tháng khi Kiev yêu cầu Washington bật đèn xanh nhưng vô ích. Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cho biết, việc sử dụng tên lửa tầm xa bên trong lãnh thổ Nga sẽ không mang lại bất kỳ lợi thế quyết định nào trên chiến trường và sẽ tiêu tốn vũ khí mà Ukraine nên sử dụng để đối phó với quân đội Nga đang tiến công vào lãnh thổ nước này.
Hiện vẫn có sự ủng hộ đáng kể của đảng Cộng hòa tại Thượng viện đối với việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Mississippi Roger Wicker - người có khả năng trở thành chủ tịch tiếp theo của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã gửi một lá thư cho ông Biden vào tháng trước, thúc giục ông đẩy nhanh việc vận chuyển các trang thiết bị cho Ukraine và tăng cường hoạt động sản xuất của Mỹ trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Việc ông Trump chỉ trích sự hỗ trợ cho nỗ lực chiến đấu của Ukraine cũng khiến các đồng minh quyết định tịch thu 48 tỷ USD tiền lãi từ các tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp cho Ukraine như một khoản vay phục vụ việc tái thiết và mua vũ khí. Chính quyền ông Biden đã cam kết cho Kiev vay khoảng 20 tỷ USD từ quỹ đó nhưng số phận của lời cam kết đó, tương tự như nhiều thứ khác, hiện vẫn chưa rõ ràng.
Đã có những cuộc thảo luận diễn ra trong nhiều tháng về các kế hoạch được trình lên ông Trump mà theo đó hoặc cung cấp thật nhiều vũ khí cho Ukraine hoặc cắt đứt mọi sự hỗ trợ nếu không có thỏa thuận hòa bình nào đạt được.
Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ, cũng như Ukraine đều hiểu rõ không có kế hoạch nào là cuối cùng cho đến khi ông Trump đưa ra quyết định và những dự đoán về chính sách của ông chỉ là phỏng đoán.
Trong nhiều tháng, ông Trump đã nói rằng ông sẽ đàm phán chấm dứt xung đột trước khi trở lại Phòng Bầu dục và hàng tỷ USD viện trợ quân sự có thể được sử dụng để tác động đến cả Kiev và Moscow. Chúng có thể được phân phối hoặc chấm dứt tùy theo ý ông.
Từ khóa: ukraine, hỗ trợ ukraine, viện trợ ukraine, chính quyền ông biden, hỗ trợ vào phút chót, xung đột ở ukraine, bầu cử mỹ, bầu cử mỹ 2024, trump
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN