Chính phủ ưu tiên chống dịch Covid-19 song song phát triển kinh tế
Cập nhật: 06/03/2020
Liên kết tạo đầu ra bền vững cho nông sản miền núi tỉnh Khánh Hòa (27/11/2024)
Ngư dân-"cột mốc sống" trong bảo vệ chủ quyền biển đảo (26/11/2024)
VOV.VN - Mục tiêu trong thời gian tới là vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm đạt thắng lợi kép trong năm 2020.
Chiều 3/3, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Dự buổi họp báo còn có đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay (3/3), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, Chính phủ đã đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020, nhất là đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid -19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh Covid -19 thời gian tới và khả năng khống chế dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng trong thời gian qua.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.
Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.
Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).
Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, mục tiêu trong thời gian tới là vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm đạt thắng lợi kép trong năm 2020. |
Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký). Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Những thành tựu đạt được của năm 2019 là đáng khích lệ; nhưng nền kinh tế nước ta đang bị thách thức nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ hôm nay, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.
Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn, phụ hồi, phát triển ngành du lịch; thúc đẩy đầu tư và giải ngân; rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, có một số giải pháp cấp bach, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ưng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,…giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Chính phủ cũng đã dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tại phiên họp, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội để làm sao đạt được thắng lợi kép trong năm 2020 có ý nghĩa quan trọng này.
Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ưu tiên số 1 hiện nay là phòng chống dịch Covid-19, với các giải pháp pháp mạnh để phòng chống dịch bệnh như đơn phương miễn thị thực, dừng bay, thực hiện cách ly chung những người Việt Nam ở nước ngoài về và người nước ngoài, người ở vùng dịch đến Việt Nam.
“Triệt để cách ly bằng các biện pháp mạnh, bắt buộc để cách ly. Hết sức tránh các trường hợp lây chéo. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “Không để rơi vào bị động khi chống dịch”. Bên cạnh đó là tháo gữ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tích cực đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp ở cơ sở, khởi công các dự án được phê duyệt...”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói./.
Thủ tướng: Khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử là cao
Thủ tướng: "Tôi muốn lan tỏa tinh thần quyết tâm của Chính phủ"
Việt Nam cách ly, theo dõi chặt 75 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19
Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN