Chính phủ Pháp đối mặt 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm liên tiếp

Cập nhật: 06/03/2020

VOV.VN -Trong hai ngày vừa qua, chính phủ Pháp phải đối mặt với liên tiếp 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do các đảng cánh tả và cánh hữu đề xuất.

Kế hoạch cải cách chế độ hưu trí vốn gây tranh cãi ở nước Pháp đang bước vào giai đoạn quyết định với các cuộc thảo luận tại Quốc hội và Thượng viện. Trong hai ngày vừa qua, chính phủ Pháp phải đối mặt với liên tiếp 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội do các đảng canh tả và cánh hữu đề xuất, đồng thời các cuộc biểu tình phản đối trong xã hội tiếp tục nổ ra.

chinh phu phap doi mat 2 cuoc bo phieu bat tin nhiem lien tiep hinh 1
Thủ tướng Edouard Philippe. Ảnh: Archywolrdys

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên chống chính phủ Pháp được các đảng cánh hữu trong Quốc hội Pháp đề xuất tại phiên làm việc diễn ra trong đêm 2/3 đến rạng sáng 3/3. Sau đó, các đảng cánh tả tiếp tục đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác chống chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe trong phiên làm việc tối 3/3 và rạng sáng 4/3 theo giờ Pháp.

Các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này được các đảng chính trị truyền thống của Pháp đề xuất sau khi chính phủ Pháp quyết định áp dụng trở lại Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp nước này nhằm mục tiêu cho phép chính phủ Pháp thông qua dự luật về cải cách chế độ hưu trí mà không cần thông qua các cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, kết quả không gây nhiều bất ngờ, chính phủ Pháp lần lượt vượt qua được 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này. Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, chỉ có 148 nghị sỹ trong Quốc hội Pháp ủng hộ đề xuất, ở cuộc bỏ phiếu thứ hai, cũng chỉ có 91 lá phiếu ủng hộ, trong khi cần phải có ít nhất 289 phiếu để các đề xuất này được thông qua. Như vậy, theo Khoản 3 Điều 49 của Hiến pháp Cộng hòa Pháp, dự luật cải cách chế độ hưu trí tại Pháp đã được Quốc hội thông qua mà không cần bỏ phiếu.

Mặc dù vượt qua được 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, nhưng trước mắt chính phủ Pháp sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình đưa luật này vào áp dụng, theo kế hoạch là trước mùa hè năm nay.

Trước mắt, trong những ngày tới, Quốc hội Pháp sẽ phải xem xét một dự luật tổ chức nhằm triển khai các nội dung cải cách chế độ hưu trí. Quá trình cải cách sẽ còn phải thông qua Thượng viện Pháp trong tháng 4 tới, nơi các Thượng nghị sỹ cánh hữu chiếm đa số, trước khi quay trở lại thảo luận tại Quốc hội để thông qua lần cuối cùng.

Song song với quá trình thảo luận tại Quốc hội và Thượng viện, các nội dung cải cách chế độ hưu trí tiếp tục được các công đoàn và các nhân tố xã hội khác thảo luận trong khuôn khổ "Hội nghị tài chính" được triển khai từ đầu tháng 1 vừa qua. Hội nghị này nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục thâm hụt ngân sách dành cho các quỹ hưu trí, được chính phủ Pháp cho thời hạn đến tháng 4/2020.

Tuy nhiên, hội nghị này đã gặp phải những bất đồng sâu sắc, sau khi 2 công đoàn lớn của Pháp là CGT và FO đã rời Hội nghị. Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí của chính phủ tiếp tục nổ ra tại nhiều địa phương trên toàn nước Pháp./.

Từ khóa: chính phủ Pháp, cải cách hưu trí, biểu tình ở Pháp, tranh cãi hưu trí ở Pháp, cải cách chế độ hưu

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập