ChildFund hỗ trợ để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Cập nhật: 27/11/2020

(VOV5) -ChildFund đã phát triển các chương trình can thiệp mang tính sáng tạo để hỗ trợ trẻ em ở Việt Nam.

COVID-19 và việc sử dụng internet ngày càng gia tăng đang tạo ra những mối đe dọa mới đối với sự an toàn và sức khỏe của trẻ em. Đánh dấu năm thứ 25 ChildFund thực hiện các chương trình phát triển tập trung vào trẻ em tại Việt Nam, ChildFund cam kết thực hiện các bước đổi mới và tham vọng hơn để xây dựng cộng đồng nơi mọi trẻ em đều có thể nói “Tôi an toàn. Tôi có học thức. Tôi tham gia đóng góp. Tôi có tương lai.”

ChildFund hỗ trợ để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau - ảnh 1

Đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam trong 25 năm qua. Đất nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chính phủ ưu tiên đầu tư vào các chương trình hỗ trợ sự phát triển của trẻ em, với nhận thức đúng đắn về đầu tư cho tương lai.

Khoảng cách giữa mức sống ở các khu vực công nghiệp, thành thị và các vùng nông thôn, nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nơi sinh sống của các nhóm dân tộc thiểu số, đang ngày càng gia tăng.

Sự phát triển kinh tế và công nghệ mới tạo cơ hội cho thanh niên và tạo ra khả năng tiếp cận thông tin và nguồn lực. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết về công nghệ truyền thông thấp đang làm tăng khả năng trẻ em bị xâm hại và bóc lột trực tuyến. Tại Việt Nam, hơn 1/3 số tài khoản Facebook thuộc về giới trẻ, độ tuổi từ 15 đến 24.

ChildFund hỗ trợ để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau - ảnh 2Lễ kỷ niệm 25 năm ChilFund tại Việt Nam

Ứng phó với tình hình này, ChildFund đã phát triển các chương trình can thiệp mang tính sáng tạo để hỗ trợ trẻ em ở Việt Nam. Bà Margaret Sheehan, Giám đốc điều hành của ChildFund Australia cho biết: “Chương trình An toàn trên mạng - ChildFund’s Swipe Safe đang hỗ trợ những người trẻ tuổi tận dụng lợi thế của thế giới kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo họ có thể thực hiện các bước tích cực để giữ an toàn khi sử dụng internet”.

Hoạt động của ChildFund Việt Nam cũng tập trung vào việc hỗ trợ việc học tập cảm xúc xã hội của thanh thiếu niên. Bà Sheehan cho biết thêm: “ChildFund Pass It Back, một chương trình thể thao vì sự phát triển độc đáo, đang mang đến cho thanh thiếu niên ở nông thôn cơ hội học hỏi các kỹ năng sống quý giá thông qua các môn thể thao cộng đồng được tổ chức. Với trọng tâm là hòa nhập, hơn một nửa số cầu thủ và huấn luyện viên là trẻ em gái và phụ nữ."

Trong 25 năm qua, ChildFund đã thực hiện 261 dự án tại Việt Nam, hoạt động tại 58 xã, thuộc 10 huyện, trên ba tỉnh nông thôn miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, cũng như thành phố Hà Nội.

Chỉ trong năm 2019 - 2020, các dự án của tổ chức này đã tiếp cận gần 90.000 cá nhân, khoảng một nửa trong số đó là trẻ em và thanh niên.

Các ưu tiên trong chương trình của chúng tôi cũng đã thay đổi theo thời gian, thích ứng và đáp ứng với những thách thức mới mà trẻ em và thanh niên đang phải đối mặt.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Giám đốc Quốc gia ChildFund Việt Nam, cho biết: “Năm 1995, khi ChildFund bắt đầu làm việc với các cộng đồng ở tỉnh Hòa Bình, các dự án của chúng tôi tập trung vào việc cải thiện sự sống còn của trẻ em, giảm nghèo trẻ em và gia tăng khả năng tiếp cận các chương trình phát triển giáo dục mầm non.

“Ngày nay, chúng tôi cam kết mang lại cho những người trẻ tuổi cơ hội tiếp cận, xây dựng khả năng ứng phó với thay đổi và tạo ra các cộng đồng an toàn hơn. Giáo dục tiếp tục là một trọng tâm trong công việc của chúng tôi, bởi vì chúng tôi biết từ kinh nghiệm rằng đây là một công cụ quan trọng để phá vỡ chu kỳ bất bình đẳng, thiệt thòi.” – Bà Bích Liên cho biết. – “Những thành công của chương trình phát triển cộng đồng của ChildFund tại Việt Nam có được nhờ sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, các nhóm xã hội dân sự, các nhà tài trợ cá nhân và tổ chức, cộng đồng địa phương và trẻ em cùng thanh thiếu niên là trung tâm sứ mệnh của chúng tôi. Làm việc cùng nhau, chúng tôi quyết tâm xây dựng một thế giới không có trẻ em bị bỏ lại phía sau.”

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, ChildFund, trẻ em

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập