Chiêu trò lừa đảo mới đưa người đi xuất khẩu lao động
Cập nhật: 07/11/2023
Theo Luật Trật tự ATGT mới, đến đoạn rẽ phải bật xi nhan trước bao nhiêu mét?
Khởi tố 13 bị can liên quan đến vụ đốt pháo hoa trên Quốc lộ 1
VOV.VN - Sau đại dịch Covid 19 và lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để lừa đảo người lao động.
Lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website, trang thông tin cá nhân như: Facebook, zalo để tìm kiếm người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Những trang này được xây dựng khá chuyên nghiệp, đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đa số đều không có địa chỉ giao dịch, làm việc.
Mới đây, ngày 26/9 Công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã khởi tố Phạm Văn Thắng (24 tuổi, trú huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn Thắng đưa ra là, sử dụng các tài khoản Facebook cá nhân, truy cập vào các nhóm xuất khẩu lao động và đăng tin tìm người có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Với mỗi người đồng ý, Thắng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm hồ sơ, mỗi lần 200-3.000 USD. Nhận tiền, Thắng sử dụng "giấy tư cách lưu trú" giả qua Zalo cho bị hại để họ tin tưởng và nộp thêm tiền.
Công an xác định, trong thời gian ngắn, Thắng đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 700 triệu đồng của hàng chục người ở nhiều tỉnh, thành.
Thắng mới chỉ là một trong những cá nhân sử dụng mạng xã hội facebook, zalo lừa đảo người lao động. Nhằm dẫn dụ người có nhu cầu xuất khẩu lao động, thời gian gần đây, các đối tượng "cò mồi" hoặc tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã lập cả website để chạy quảng cáo.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trang web có những thông tin, hình ảnh đưa người đi lao động nước ngoài, hoặc đưa ra những hình ảnh có người đang làm việc ở nước ngoài... Tất cả hình ảnh đấy, họ lấy từ những đơn vị đưa người lao động đi thành công để lừa người muốn đi xuất khẩu lao động.
“Người lao động do ở xa, do được giới thiệu nên cũng chủ quan, cũng không kiểm tra kỹ các thông tin và họ làm việc với các tài khoản trên mạng xã hội, trên số điện thoại.... Khi người lao động nộp tiền, các tài khoản trên mạng xã hội này cũng cung cấp các phiếu biên nhận, căn cước công dân của người lao động, hợp đồng có đóng dấu của công ty để tạo lòng tin của người lao động. Từ đó, người lao động nộp các khoản tiền tiếp theo”, ông Liêm nói.
Đến thời điểm xuất cảnh theo như hứa hẹn mà người lao động không được xuất cảnh, họ mới liên hệ thì không liên hệ được. Bởi vì các tài khoản trên mạng xã hội, các số điện thoại liên hệ này đã bị chặn hoặc khóa liên lạc.
Từ thực tế trên dẫn đến tình trạng nhiều người lao động đã phải nộp các khoản tiền, thậm chí rất nhiều tiền cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Liêm, người lao động được đưa ra nước ngoài theo tình huống như thế này thì họ không có tư cách hợp pháp. Nếu không có tư cách hợp pháp thì họ không được bảo vệ bởi các quy định pháp luật của các quốc gia, hay lãnh thổ họ được đưa sang làm việc. Người ta không có chế độ bảo hiểm, không có được bảo vệ bởi quyền và lợi ích hợp pháp, dễ bị nợ lương, quỵt lương. Thậm chí, bị bắt và trục xuất bởi cư trú không hợp pháp
Dưới góc độ chuyên gia tội phạm học, qua khảo sát từ các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, đặc biệt là vụ lừa đảo xuất khẩu lao động gần đây, Thượng tá, TS Phan Thị Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân đưa ra 4 thủ đoạn của nhóm đối tượng này.
Theo Thượng tá Hải, thủ đoạn thứ nhất, các đối tượng đưa ra thông tin gian dối cho rằng, có khả năng nắm bắt thông tin, cũng như làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước có khả năng giúp cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thực hiện được mơ ước, nguyện vọng của mình.
Thủ đoạn thứ 2, các đối tượng thành lập pháp nhân thương mại, nhưng các pháp nhân thương mại này không có chức năng, nhiệm vụ xuất khẩu lao động, cũng như không ký kết các hợp đồng, hoặc nhận ủy quyền từ các doanh nghiệp, tổ chức từ nước ngoài để nhận làm dịch vụ xuất khẩu lao động. Nhưng lại đưa ra các thông tin gian dối có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động và thu tiền của họ.
Thủ đoạn thứ 3, lợi dụng tình trạng những người, có nhu cầu xuất khẩu lao động, đặc biệt là người trẻ không thích tìm hiểu thông tin bằng con đường chính thống mà chỉ thích lên mạng tìm các công ty tuyển dụng lao động. Các công ty này cho chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nên dễ dàng thu hút tiền của người muốn đi xuất khẩu lao động.
Thủ đoạn thứ 4, các đối tượng này thường tìm về các khu vực, các địa bàn trọng điểm có nhiều người đi xuất khẩu lao động như Nghệ An, Hà Tĩnh,… Từ đó, tìm kiếm "con mồi" là những đối tượng, những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, sau đó lừa họ.
Thượng tá Hải, cũng khuyến cáo người dân phải xác minh, tìm hiểu thật kỹ các công ty thu tiền, hoặc các đối tượng đưa ra những thông tin có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Xác minh thông qua những người có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Xác minh tên doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu lao động tại website của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Về phía mình, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, trên trang web của Cục quản lý lao động nước ngoài cũng đã có đưa thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo lao động đi nước ngoài.
“Trong Luật người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, Cục cũng định hướng, quy định đơn vị đủ điều kiện đưa người đi lao động nước ngoài phải có các trang web đưa công khai các thông tin về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động qua Cục, Cục yêu hầu họ đều phải có đuôi vn, không phải chấm com, org, hay các đuôi khác”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng khuyến cáo người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép hoặc những công ty vi phạm tại Trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.
Việc tra cứu rất đơn giản, vì thế, ông Liêm cho rằng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích của mình, đừng để "sập bẫy" lừa xuất khẩu lao động trên mạng.
Từ khóa: lừa đảo, lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động, lừa đi xuất khẩu lao động, lừa đảo trên mạng,xuất khẩu lao dộng,covid-19
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN