Chiến tranh hạt nhân Nga - Mỹ nếu nổ ra sẽ khủng khiếp như thế nào?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Hơn 91 triệu người sẽ thiệt mạng hoặc bị thương trong giai đoạn đầu của chiến tranh hạt nhân (nếu nổ ra) giữa Mỹ và Nga.

Thông tin này được đưa ra dựa trên một video mô phỏng do chương trình nghiên cứu Khoa học và An ninh toàn cầu của trường Đại học Princeton, Mỹ mới công bố.

chien tranh hat nhan nga - my neu no ra se khung khiep nhu the nao? hinh 1
Ảnh minh họa: Getty.

Video mô phỏng với tên gọi “Kế hoạch A” được giới thiệu hồi đầu tháng 9/2019, căn cứ vào những thông tin từ Bản đồ hạt nhân (Nukemap) của Học viện công nghệ Stevens.

Theo mô phỏng này, cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ bắt đầu diễn ra ở châu Âu. Nga sẽ phóng 300 đầu đạn hạt nhân về phía tây bằng tên lửa và máy bay ném bom. NATO đáp trả bằng cách huy động 180 máy bay mang bom hạt nhân chống lại Nga. Sẽ có khoảng 2,6 triệu trường hợp thương vong trong 3 giờ đầu của cuộc giao tranh, các nhà nghiên cứu tại Princeton cho biết.

Mô phỏng của Princeton dự đoán rằng: “Trong bối cảnh châu Âu bị phá hủy, NATO sẽ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân chiến lược sử dụng 600 đầu đạn hạt nhân phóng từ lục địa Mỹ và tên lửa phóng từ tàu ngầm nhằm vào các lực lượng hạt nhân Nga”.

Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân từ các phương tiện di động trên mặt đất và tàu ngầm. Cuộc chiến kéo dài 45 phút có thể khiến 3,4 triệu người thương vong ngay lập tức”, theo kế hoạch A.

Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến hạt nhân, được gọi là “Kế hoạch đối trọng”, Nga và NATO sẽ nâng khả năng tấn công lên gấp đôi, nhắm vào 30 thành phố lớn nhất của mỗi bên để ngăn chặn khả năng phục hồi của đối phương. Kế hoạch này sẽ nâng con số thương vong trong cuộc chiến tranh lên đến hơn 85 triệu người.

Đến giai đoạn cuối cùng sẽ có tổng cộng 91,5 triệu người thương vong, trong đó có 34,1 triệu người thiệt mạng và 57,4 người bị thương nặng, nhiều người trong số này có nguy cơ tử vong do bụi phóng xạ hạt nhân. Các nhà nghiên cứu cho Princeton cho rằng, nguy cơ xảy ra vụ thảm sát hạt nhân hiện nay lớn hơn rất nhiều so với điều được dự đoán năm 2016.

“Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua khi Mỹ và Nga từ bỏ những hiệp ước kiểm soát các lực lượng hạt nhân có từ lâu, bắt đầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân với mà mở rộng tình huống họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân”, nghiên cứu lưu ý./.

Video mô phỏng cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Từ khóa: Chiến tranh hạt nhân Nga Mỹ, vũ khí hạt nhân, đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm, NATO

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập