Chiến thuật ôn thi trước "ma trận" 20 phương thức xét tuyển Đại học
Cập nhật: 22/03/2022
Bà Rịa – Vũng Tàu đưa nhiều vụ tàu cá vi phạm IUU ra xét xử
Công an Bình Dương, Bình Phước phát hiện và thu giữ số lượng lớn pháo nổ trái phép
[VOV2] - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2022, có khoảng 20 phương thức xét tuyển Đại học. Trước ma trận phương thức xét tuyển, nhiều thí sinh tỏ ra bối rối trong khi các trường phổ thông buộc phải thay đổi “chiến thuật” ôn thi.
Nhiều phương thức tuyển sinh: thêm cơ hội, thêm bối rối
Để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH, Nông Lưu Bảo Trân, HS lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội đã chuẩn bị cho mình một học bạ đẹp từ năm lớp 10. Cùng với danh hiệu Học sinh giỏi cấp thành phố, Bảo Trân xác định xét tuyển theo 2 phương thứ đó là: kết hợp học bạ với danh hiệu học sinh giỏi và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Nói về những khó khăn khi là lứa thí sinh có 3/4 thời gian THPT phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Bảo Trân cho rằng, đa dạng phương thức xét tuyển cũng là cơ hội cho thí sinh.
Tuy nhiên, với việc các trường phân bổ chỉ tiêu ở nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau trong năm 2022, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp được dự báo tăng lên sẽ là bất lợi cho những thí sinh chỉ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp - Đoàn Duy Hoàng, học sinh lớp 12 trú tại quận Đống Đa lo lắng. Do đó, dù xác định đặt mục tiêu điểm cao cho phương thức xét theo kết quả điểm thi tốt THPT nhưng em cũng thử sức với các phương án xét tuyển kết hợp với chứng chỉ IELTS, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực...
“Nguyện vọng cao nhất của em vẫn là trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Năm nay trường xét tuyển cả kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội nên ngoài ôn tập để thi tốt nghiệp em còn luyện thêm bài thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển”. Mặc dù mới thi đánh giá năng lực xong nhưng vì kết quả không như kỳ vọng nên Hoàng dự định sẽ thi tiếp kỳ thi này vào tháng 5 để nâng cao điểm số của mình.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Long cũng vừa thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để xét tuyển vào trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN). Tuy nhiên, việc quen cách ôn thi theo khối bấy lâu nay khiến Long không tự tin với kết quả bài thi đánh giá năng lực của mình. Theo Long, đây là thời điểm em khá căng thẳng vì phải tập trung ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn tập cho các kỳ thi riêng của các trường Đại học.
“Với kỳ thi đánh giá năng lực em đánh giá kiến thức sâu rộng. Môn Toán khó đạt điểm mong muốn. Môn Ngữ Văn thì em làm được vì phụ thuộc tư duy logic. Tuy nhiên, ở phần Khoa học với những bạn trái ban sẽ gặp khó khăn. Ví dụ ban A khó khăn khi làm phần kiến thức Sử- Địa, ban D thì khó khăn với phần kiến thức của Lý –Hóa –Sinh”.
Có đến 20 phương thức xét tuyển được công bố trong mùa tuyển sinh 2022. Quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây khó khăn cho thí sinh lựa chọn nhưng đồng thời cũng tăng cơ hội cho học sinh nếu các bạn được định hướng tốt.
“Sẽ là khó khăn với học sinh khối12 và các trường khi tổ chức ôn tập cho các em. Đặc biệt là các bài thi mang tính chất đánh giá năng lực và tư duy. 2 cách thi có nhiều ưu điểm nhưng việc đổi mới phương thức thi cần lộ trình, nếu không thì HS và thầy cô gặp khó khăn trong tiếp cận phương thức thi mới. Do nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, thí sinh phải chuẩn bị song song cả bài thi tốt nghiệp, đồng thời chuẩn bị cả phương thức thi xét tuyển theo phương thức thi riêng”, cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú đánh giá.
Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chỉ trong 1 năm mà có quá nhiều phương xét tuyển mới khiến nhiều học sinh bối rối, trong khi đó học sinh mới chính thức trở lại trường học trực tiếp chưa lâu. “Các em cũng đặt nhiều câu hỏi cho chúng tôi. Trường và nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu rõ hơn 20 phương thức để tư vấn phù hợp với lực học, nguyện vọng của các em”.
Thay đổi chiến thuật ôn thi
Theo đánh giá của các nhà trường, dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Mặc dù tháng 7, sĩ tử 2004 mới bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng biên chế năm học sẽ kết thúc vào tháng 5. Thời điểm này, trường THPT Việt Đức đã lên các kịch bản hướng dẫn ôn tập vừa phù hợp kiến thức học sinh, vừa đáp ứng quy chế tuyển sinh. Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh, hiện hơn 60% học sinh lớp 12 của trường đã có các chứng chỉ quốc tế, khoảng 100 em dự định thi các kỳ thi riêng.
“Đây là thời gian chúng tôi vận hết tốc lực, vừa dạy kiến thức tiếp theo lớp 12 trong học kỳ 2 của phần còn lại, vừa phải rà soát kiến thức mà các em học trong thời gian học trực tuyến. Chúng tôi cũng phải xây dựng được các bộ đề ôn tập cho các em gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp mà các em lựa chọn. Chúng tôi đảm bảo kiến thức năm học theo quy định của Bộ GD&ĐT nhưng cũng sắp xếp giờ ôn tập riêng theo khối. Theo thời khóa biểu cũ có những hôm chỉ có 4 tiết, 3 tiết thì chúng tôi sẽ xen vào những tiết hỗ trợ các em theo khối tự chọn mà các em đăng ký để ôn luyện sát sườn nhất”, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.
Còn tại Trường THPT Phan Huy Chú, trước "ma trận" các phương thức tuyển sinh, cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có sự định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm. Với các kỳ thi tuyển sinh riêng, trường mời các chuyên gia từ trường ĐH tư vấn để các em nắm bắt thông tin. Việc cam kết đầu ra với các chứng chỉ quốc tế là tiền đề để các em yên tâm khi bước vào kỳ tuyển sinh. Trong khi đó, nhà trường xác định ôn tập cho học sinh theo hướng toàn diện ngay từ đầu.
“Chúng tôi không xác định theo khối mà đầu tư bài bản đáp ứng đầy đủ môn thi tốt nghiệp toàn diện, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là tốt nghiệp. Điểm thi tốt nghiệp là một trong những phương thức xét tuyển ĐH nên trường đầu tư ôn tập đầy đủ 6 bộ môn, 3 bài thi độc lập và 2 bài thi tổ hợp. Còn những bạn thi xét tuyển theo phương thức khác thì có tư vấn và định hướng nhất định”.
Việc học sinh đi học trực tiếp tại thời điểm này càng có ý nghĩa hơn khi chỉ còn ít tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra. Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú khẳng định với lứa thí sinh THPT có hơn nửa thời gian phải học online, việc ôn thi có nhiều thay đổi so với mọi năm.
“Đối với Ngữ Văn, chúng tôi hệ thống kiến thức, có những lúc nhắc lại nguyên vẹn để các em có hình dung. Tuy nhiên chúng tôi không dạy theo bài mà dạng bài, vừa hệ thống hóa và vừa chi tiết bằng ví dụ”.
Trước sự biến động trong phương án xét tuyển của các trường ĐH, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội khuyên thí sinh cần xác định lại mục tiêu cho kỳ thi. Các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực theo những trường nào, mục tiêu điểm là bao nhiêu, xét tuyển vào trường nào?
Dù tham gia kỳ thi nào đi nữa đều phải dựa trên kiến thức nền tảng trong quá trình học ở trường phổ thông, đặc biệt kiến thức SGK. Giai đoạn đầu tiên bước vào ôn thi, học sinh cần phải rà soát hệ thống kiến thức, đọc thật kỹ SGK, hệ thống hóa kiến thức, xây dựng hệ thống kiến thức của riêng mình./.
Từ khóa: ôn tập, HS 12, xét tuyển, ma trận, tuyển sinh, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2