Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua lời kể người trong cuộc
Cập nhật: 10/03/2022
Sơn La có nhiều công trình Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam
Cận cảnh trực thăng bay trình diễn ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam
VOV.VN - Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã đi vào lịch sử, với ý nghĩa đặc biệt, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân kỷ niệm 47 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2022), phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Ama H’Oanh (tên khai sinh Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; nguyên Phó Bí thư Thị ủy, kiêm phụ trách đội công tác chính trị thị xã Buôn Ma Thuột.
PV: Thưa ông, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột được chuẩn bị hết sức bí mật, diễn ra bất ngờ. Vậy lực lượng chính trị, quân sự tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị như thế nào cho chiến dịch này?
Ông Ama H’Oanh: Đầu năm 1975, nhận được chỉ đạo của Trung ương chọn chiến trường là Tây Nguyên nói chung, nhưng trọng điểm là Buôn Ma Thuột. Trung ương chỉ thị cho Chi uỷ Khu 5 vào truyền đạt ý định của trên. Đến tháng 2/1975, đồng chí Bùi Sang (gọi là anh Chín Liêm) dẫn một đoàn của Thường vụ Khu uỷ khu 5 vào làm việc trực tiếp với Tỉnh uỷ Đắk Lắk nói hạ quyết tâm kỳ này mình phải tấn công toàn diện trong toàn miền nhưng mà trọng điểm mở đầu Trung ương chọn Tây Nguyên và lấy Buôn Ma Thuột làm điểm.
Cấp trên giao cho Tỉnh uỷ Đắk Lắk làm thế nào huy động được lực lượng tại chỗ về mọi mặt, đặc biệt huy động cho được quần chúng nổi dậy để phối hợp với bộ đội chủ lục thực hiện giải phóng Buôn Ma Thuột. Đồng chí Bùi Sang, Phó Bí thư Khu uỷ nhấn đi nhấn lại là phải thực hiện cho được 3 mũi giáp công, tức là ngoài mũi giáp công quân sự của bộ đội chủ lực, thì địa phương phải làm mạnh công tác vận động chính trị, phát động quần chúng nổi dậy để ủng hộ bộ đội đánh bằng mọi khả năng. Ở đây phải phối hợp quân sự đi trước thì chính trị cũng phải đồng thời làm.
PV: Vậy các lực lượng địa phương được lựa chọn, tổ chức thế nào để vừa đảm bảo bí mật đến phút cuối, vừa đủ quy mô để hoàn thành nhiệm vụ lớn?
Ông Ama H’Oanh: Hồi đó chúng tôi cũng có một thuận lợi. Sau năm 1968, địch phản kích sau Mậu Thân bắt 50 anh chị em cán bộ đảng viên và cơ sở trong dân nội thị, giam ở Buôn Ma Thuột và đưa xuống quân lao Nha Trang. Nhưng do cả nước nổi lên hết cho nên địch chỉ lọc giữ lại một số anh chị em, còn một số sau khi giam mấy năm được địch thả về.
Họ nằm đó mai phục chờ thời cơ, chờ lệnh của cách mạng. Họ âm thầm đoàn kết với bà con xung quanh. Nhờ có thuận lợi đó, tôi mới soát được lực lượng cơ sở mình ở nội thị, kể cả đảng viên nằm vùng trở lại. Chúng tôi chọn những người trung thành mình biết ở số nhà mấy, rà soát kỹ mới phân công, mới lên kế hoạch bố trí. Bây giờ vào mình sẽ toả ra ai tổ nào đi đường phố nào, vào nhà ai nhà số mấy. Rồi soát trong lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền có cơ sở của mình trong đó hay không để chuẩn bị. Lực lượng thứ hai nữa là soát ở các dinh điền, đồn điền và xã mà mình đã giải phóng hoặc mình tranh chấp mạnh để nắm cơ sở.
Một lực lượng nữa rất quan trọng là chọn anh chị em đang công tác trong các cơ quan dân chính đảng của tỉnh ở trong rừng hồi đó, kể cả có các cháu dưới 17 tuổi làm liên lạc ở trong rừng. Sau đó chúng tôi thảo truyền đơn của Mặt trận lời kêu gọi, hiệu triệu binh lính, sĩ quan, các bậc quản lý các tôn giáo.
PV: Công tác tiếp quản Buôn Ma Thuột như thế nào sau khi Bộ đội tiến công địch, thưa ông?
Ông Ama H’Oanh: Đến 0h ngày 10/3/1975, trong nội thị đặc công nổ bộc phá ở sân bay. Lúc này địch cũng nổ súng, pháo mình ở bên ngoài bắt đầu bắn vô rần trời hết. Ở ngoài rừng cánh bắc của chúng tôi cũng bám theo bộ đội chủ lực Trung đoàn 148 của Sư đoàn 316. Xe tăng, xe cơ giới bộ đội đi trước, chúng tôi có hai xe lấy của địch chở 120 anh chị em theo sau. Đại bộ phận sáng sớm ngày 12/3 bắt đầu toả ra tới các nhà cơ sở, nhà đảng viên trung kiên, quần chúng tốt bắt đầu tiếp xúc với nhân dân, giải thích cho họ kỳ này quyết giải phóng, mình làm chủ luôn thị xã Buôn Ma thuột và tỉnh Đắk Lắk.
Giải thích như vậy họ bắt đầu toả ra, giao nhiệm vụ cho họ ai có thân nhân, bà con làm trong bộ máy nguỵ quyền, ai có con, em làm trong phòng vệ dân sự hay trong quân đội nguỵ thì tìm cách thuyết phục kêu gọi về. Sự nổi dậy của quần chúng là làm cái đó. Ngoài ra, người nào biết các ổ đề kháng của địch hay chạy trốn không ra mặt thì bí mật nói với anh em đội công tác để đến thuyết phục hoặc cần chiến đấu thì chiến đấu, nhưng nói chung diễn ra tốt, quần chúng rầm rộ lắm.
Bộ đội đánh chiếm chỗ nào họ đi rồi họ để lại thì lực lượng của mình tổ chức các tổ để chiếm lĩnh, quản lý. Tới ngày 18/3/1975, Uỷ ban quân quản ra mắt tại đình Lạc Giao thì cụ Y B’lôk đứng ra tuyên bố Uỷ ban quân quản lý thị xã Buôn Ma Thuột, quản lý tỉnh Đắk Lắk.
PV: Cảm nhận của ông về đổi thay của Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk hôm nay ra sao?
Ông Ama H’Oanh: Bây giờ đời sống của đồng bào thay đổi nhiều lắm, đặc biệt kinh tế chung phát triển, đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu thì cái đó quá mừng rồi. Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng bây giờ cải tiến kỹ thuật rất khá, đời sống khá.
Phát triển được lợi thế địa phương về nông nghiệp, trồng cây công nghiệp cao su, cà phê, hồ tiêu mấy năm gần đây có thêm mắc ca nữa. Còn với giáo dục đối với thanh niên, thanh thiếu niên, đoàn đội thì được quan tâm giáo dục ý thức yêu đất nước, giữ được tập quán tốt, cái gì lạc hậu thì loại bỏ, cái nào tốt mình giữ.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Từ khóa: Giải phóng miền Nam, giải phóng Buôn Ma Thuột
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN