Chiến sĩ "cưỡi sóng", bám tàu trên biển ngăn dịch Covid-19
Cập nhật: 09/02/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Cán bộ, chiến sĩ ăn, ngủ trên con tàu gỗ, trực ca gác 24/24. Gió mùa, sóng lớn, tàu lắc lư nhưng họ vẫn không rời tàu vì nhiệm vụ trực chốt chống dịch Covid-19.
Khi tuyến biên giới trên bộ của tỉnh Quảng Ninh được siết chặt, mọi áp lực về nhập cảnh trái phép lại chuyển về tuyến biên giới trên biển. Là địa phương tuyến đầu và chịu áp lực sớm nhất khi dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Ninh đã thiết lập nhiều chốt chặn trên biển để kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh từ biên giới.
Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, 100% lực lượng Bộ đội Biên phòng trực chốt để thêm bình yên dưới những nếp nhà.
Từ khi có dịch Covid-19, trạm biên phòng Mũi Ngọc, đồn Biên phòng Trà Cổ, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) có thêm 1 chốt chặn trên biển ngay cửa sông Ka Long. Chốt chặn được lập trên con tàu bằng gỗ vốn là phương tiện thuê lại của người dân địa phương. Tất cả các sinh hoạt ăn, uống, ngủ nghỉ của 4 chiến sỹ biên phòng trạm Mũi Ngọc đều trên con tàu chưa đầy 20m2 này.
Thiếu tá Nguyễn Kế Nghiệp, Trạm Biên phòng Mũi Ngọc kể: "Trên biển có nhiều yếu tố phức tạp. Khi theo đối tượng, có sóng to, gió lớn, có phải đi xuồng thì vẫn phải cưỡi trên cả những con sóng mà đi. Có những khi phải theo đối tượng cả tiếng đồng hồ, nước té ướt hết người vẫn phải bình tâm xử lý các tình huống bất ngờ gặp phải. Chúng tôi luôn phải trực ca gác 24/24. Như hôm nay gió mùa, sóng lớn, tàu lắc lư nhưng anh em vẫn không rời tàu để trực chốt."
Cách đó hơn 10 hải lý, là chốt chặn trên bông tông của Đồn biên phòng cửa khẩu Vạn Gia, cùng kiểm soát trên tuyến biển biên giới của thành phố Móng Cái. Khác với trạm Mũi Ngọc, 8 chiến sỹ chốt chặn trên biển của Đồn biên phòng Vạn Gia được bố trí sinh hoạt trên bông tông kiên cố bằng bê tông rộng khoảng 30 m2 với 6 giường tầng, bếp nấu ăn, bàn uống nước. Tuy được gọi là chốt chặn nhưng bông tông di chuyển liên tục ở nhiều điểm trên cửa sông Bắc Luân. Như vậy anh em chiến sỹ mới có thể kiểm soát được các hoạt động đôi bờ biên giới.
Đại úy Trần Văn Đông, người đã có 23 năm công tác vừa kiểm tra lại số gạo và nước sinh hoạt để chuẩn bị vào bờ lấy nhu yếu phẩm, nói: "Tầm khoảng 27-28 Tết trên Đồn gói bánh và chuyển xuống dưới các tổ chốt chứ dưới này không thể gói được vì sóng gió. Đồn cũng cố gắng để chúng tôi có đầy đủ bánh kẹo, bánh chưng, còn cành đào thì không mang xuống được vì không có chỗ treo mà sóng gió xô đổ hết. Dịch Covid -19cũng làm chúng tôi căng thẳng hơn khi tiếp xúc với các đối tượng vượt biên. Ăn Tết nơi biên giới chúng tôi cũng quen rồi, vợ lính, gia đình lính cũng quen Tết không có mặt ở nhà rồi."
Việc phòng chống dịch ở tuyến biên giới đã là khó khăn vất vả thì việc phòng chống trên biển còn gian nan hơn rất nhiều. Xung quanh là bể nước mênh mông, không điểm tựa. Tuy nhiên suốt 1 năm khi dịch bệnh bùng phát, các chiến sỹ phải căng mình nơi đầu sóng ngọn gió để đảm bảo an toàn cho tuyến biên giới. Mùa hè nắng bỏng rát mặt, mùa đông lạnh thấu xương vì biển động và gió mùa đông Bắc. Để bảo vệ 191 km đường phân định trên biển, trong suốt 1 năm qua, BĐBP tỉnh Quảng Ninh huy động duy trì hàng chục vị trí trạm, chốt cửa sông, cửa lạch trên biển. Những người lính trên các chốt tuyến biển vẫn ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, đảm bảo yên bình cho nội địa.
Ông Nguyễn Văn Hợi, người dân xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái chia sẻ: "Vào ngày tết Đồn vẫn đến thăm hỏi dân từ sức khỏe đến việc làm ăn. Chúng tôi rất yên tâm. Các chốt chặn được BĐBP kiểm soát chặt chẽ. Về phía người dân, khi phát hiện người lạ thì chúng tôi lập tức báo cho lực lượng biên phòng, chung tay ngăn chặn lây lan của dịch Covid-19."
Tết Tân Sửu năm 2021 là Tết đặc biệt, khó khăn vất vả hơn bao Tết khác vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ăn Tết xa nhà vốn là "đặc sản" của người lính biên phòng. Tất cả vai trò làm cha, làm chồng đều dồn lên vai người vợ, gánh vác việc của 2 bên nội ngoại. Nhưng rồi vì yêu, vì gắn bó mà họ hy sinh những nỗi niềm riêng để người chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chặng đường dài còn ở phía trước khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong cả nước. Các chiến sỹ vẫn duy trì chốt chặn 24/24 trên tuyến biên giới biển. Xuân đã về trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc. Và những người chiến sỹ biên phòng vẫn gác lại niềm vui riêng để viết tiếp khúc quân hành của người lính nơi tuyến đầu biên giới, để Xuân thêm vui tươi, ấm áp dưới mỗi nếp nhà./.
Từ khóa: bộ đội biên phòng, tết nguyên đán, tỉnh Quảng Ninh, covid-19, chống dịch như chống giặc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN