Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đặt nền móng vững chắc cho Việt Nam trong kỷ nguyên số
Cập nhật: 10/11/2024
Công nghệ chiếu sáng là giải pháp hiệu quả hướng tới Net Zero
Elon Musk muốn làm điều không tưởng, du lịch từ Mỹ đến Anh chỉ 29 phút
VOV.VN - Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và việc xây dựng Luật Dữ liệu là bước đi chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, kết nối, chia sẻ và an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên số mới, nơi dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên quý giá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, đặt nền móng cho Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia hàng đầu thế giới và top 3 ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số vào năm 2030.
Tại hội thảo khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia-Góp ý Xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân”, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng Chuỗi Hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo quyền lợi quốc gia và hài hòa với các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng Chiến lược.
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia hướng đến mục tiêu xây dựng một hạ tầng dữ liệu vững chắc, kết nối toàn diện các trung tâm dữ liệu trên cả nước, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thiếu tướng GS. TS Nguyễn Hồng Quân - Cố vấn Chiến lược Dữ liệu Quốc gia & Vòng tròn Chính sách, Nguyên Phó Cục Trưởng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng cho rằng, với sự bùng nổ của quá trình chuyển đổi số toàn cầu, dữ liệu được coi là "tài nguyên dầu mỏ mới" của thế kỷ 21, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới quản trị và cải thiện chất lượng đời sống.
Để tiếp tục phát triển dữ liệu mở, GS. TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: Cần ban hành các quy định bắt buộc và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công khai dữ liệu có thể chia sẻ một cách an toàn, tạo điều kiện cho việc hình thành các nền tảng dữ liệu mở. Các nước như Anh, Mỹ, Hàn Quốc đã thành công trong việc phát triển các cổng dữ liệu mở, giúp tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ, giá trị mới từ nguồn dữ liệu công khai".
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện của Petrolimex chia sẻ: Theo dự thảo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do bộ Công an ban hành để lấy ý kiến, mọi hành động thu thập và xử lý dữ liệu phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như tính hợp pháp, tính trung thực và tính minh bạch. Doanh nghiệp cần phải có lý do chính đáng khi thu thập dữ liệu và thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về mục đích sử dụng dữ liệu đó.
Dữ liệu phải được thu thập một cách tối thiểu và chỉ sử dụng cho những mục đích đã thông báo. Việc này không chỉ giúp bảo vệ thông tin cá nhân mà còn tạo ra lòng tin từ phía khách hàng. Doanh nghiệp có trách nhiệm phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tổ chức để bảo vệ dữ liệu khỏi các rủi ro về mất mát, truy cập trái phép, hoặc tiết lộ thông tin. Một hệ thống bảo mật mạnh mẽ không chỉ giúp bảo vệ dữ liệu mà còn tạo ra sự yên tâm cho khách hàng khi tương tác với doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên, người gắn bó với chương trình truyền hình nổi tiếng "Như chưa hề có cuộc chia ly" cho biết, hoạt động thiện nguyện tìm kiếm và đoàn tụ người thân "Như chưa hề có cuộc chia ly" đã tìm ra và đoàn tụ gần 3000 trường hợp thất lạc, với thời gian ly tán 10 đến 87 năm. Chương trình đã tiếp nhận và lập hồ sơ hơn 80.000 đơn thư đăng ký tìm kiếm. Kết quả này một phần có được là nhờ cơ sở dữ liệu, công tác tra cứu thông tin giúp tìm ra manh mối cho các trường hợp cần tìm.
Tuy nhiên, nhà báo Thu Uyên cũng nêu thực tế: "Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm kiếm người bị thất lạc trong nhiều hoàn cảnh – những người hầu như không có thông tin xác định, cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc tra cứu. "Như chưa hề có cuộc chia ly" có được sự ủy nhiệm từ những người đăng ký nhờ tìm thân nhân, song, chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu có được “sự đồng ý của chủ thể thông tin”, bởi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm họ. Chúng tôi cũng vô cùng khó để đáp ứng yêu cầu có “quyết định mất tích từ toà án”.
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100% các Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, Trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.
Về phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số, 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc....
Từ khóa: dữ liệu, Dữ liệu, Dữ liệu Quốc gia, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, kỷ nguyên số, Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chính phủ điện tử, kinh tế số
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả: trần ngọc/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN