Chiến khu Vần đổi thay ra sao sau gần 80 năm giải phóng?
Cập nhật: 22/08/2024
VOV.VN - Việt Hồng hôm nay – Sở Chỉ huy của lực lượng vũ trang khởi nghĩa 79 năm trước giờ đã thực sự "thay da, đổi thịt". Người dân luôn đoàn kết, nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương cách mạng ngày một ấm no, hạnh phúc, tiến tới trở thành xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh Yên Bái.
Chiến khu Vần – Hiền Lương ở tỉnh Yên Bái là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng, gắn với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Tại đây, vào tháng 5 năm 1945, đội du kích Âu Cơ đã ra đời, đánh dấu sự hình thành của Đảng bộ tỉnh Yên Bái; 1 tháng sau đó, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ được thành lập. Các sự kiện này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.
Gần 80 năm trôi qua, bộ mặt nông thôn ở Chiến khu Vần đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh là 1 trong 4 điểm di tích nằm trong cụm Di tích lịch sử Chiến khu Vần, năm 1995 đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Khánh vốn là quan của chính quyền thời Pháp thuộc, giữ chức Chánh tổng Lương ca, là người đứng đầu một tổng gồm các xã: Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, Lương Thịnh, Hưng Khánh và Hồng Ca, thuộc huyện Trấn Yên ngày nay.
Ông Trần Đình Khánh có lòng yêu nước, thương dân, được giác ngộ cách mạng nên đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu cơ, quyên góp ủng hộ lương thực thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho căn cứ cách mạng.
Nhà ông thời đó trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp ủng hộ, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và là Sở Chỉ huy của lực lượng vũ trang khởi nghĩa
Ngày 7/5/1945, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái được thành lập. Nhà ông Khánh trở thành trụ sở đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Với công lao đóng góp tích cực cho Cách mạng, năm 1946, ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Yên Bái và là Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Hiện nhà ông Trần Đình Khánh và các điểm di tích lịch sử khác như Gốc vải Đình Trung, Hang Dơi, Đình làng Dọc… đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Cô giáo Khổng Thị Thu Nga, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Hồng cho biết, thực hiện kế hoạch hoạt động của trường, hàng năm, cô vẫn thường tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại khu di tích lịch sử của xã, tổ chức cho các em thắp hương tưởng nhớ những người có công với cách mạng, hát các bài hát ca ngợi quê hương đất nước; giới thiệu chức năng, ý nghĩa của các hiện vật được trưng bày…
"Thông qua những việc làm cụ thể đó giúp các em hiểu rõ về truyền thống, cũng như lịch sử, nguồn cội của địa phương mình. Nếu không có những hoạt động này có lẽ các em sẽ dần mai một lịch sử của địa phương, sẽ không biết cụ Trần Đình Khánh là ai, không biết tại sao có ngôi nhà sàn lại được gìn giữ, tu sửa cho đến bây giờ. Và cũng sẽ không biết trong ngôi nhà ấy lại có những hiện vật chỉ có và được dùng trong thời các cụ thôi"- cô giáo Khổng Thị Thu Nga nói.
Phát huy truyền thống cách mạng, các thế hệ người dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã không ngừng vươn lên, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hiện nay, tại xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như mô hình nuôi cá tầm, nuôi vịt cổ xanh, nuôi trâu, lợn nái sinh sản, trồng cây tre măng bát độ, du lịch cộng đồng…, nhiều mô hình có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, nếu trước đây nông sản của bà con làm ra thường không tiêu thụ được, thì tại xã hiện đã có HTX nông nghiệp Việt Hồng với trên 200 thành viên liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cung ứng các loại vật tư, máy móc phục vụ bà con ngay tại bản, với giá cả hợp lý.
Ông Nguyễn Viết Bảo, Bí thư Chi bộ Bản Chao, đồng thời là Giám đốc HTX nông nghiệp Việt Hồng cho biết, ở đây bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn với sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra, xuất phát từ đó mọi người quyết định thành lập HTX nông nghiệp để cung ứng sản phẩm nông nghiệp đến tận tay người dân với mức giá phù hợp. Thu mua toàn bộ nông sản của bà con nhân dân, tránh tình trạng sản xuất ra không có nơi bán, nơi mua, ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của bà con nhân dân tại thôn bản, cũng như ở xã.
Cùng với phát triển kinh tế, người dân trên quê hương mạng Việt Hồng cũng được chú trọng công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đầu tư hạ tầng... Hiện 100% hộ dân nơi đây đã có điện lưới quốc gia, được dùng nước sạch; trẻ em trong độ tuổi được đi học đầy đủ; giao thông đồng bộ, tạo ra kết nối vùng và liên vùng, với trên 90% được bê tông hóa, nhựa hóa.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Việt Hồng cho biết, với 5 cán bộ, hàng năm Trạm luôn hoàn thành tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu, phòng chống dịch bệnh cho người dân trong xã, vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện trạm Y tế xã đã đạt chuẩn tiêu chí Quốc gia đến năm 2030.
"Trong những năm tới, Trạm y tế tiếp tục vừa duy trì vừa nâng cao chất lượng tiêu chí quốc gia về y tế xã; thường xuyên học hỏi, nắm bắt chuyên môn để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân được tốt hơn. Trạm cũng sẽ thường xuyên xây dựng kế hoạch truyền thông, tư vấn để bà con nhân dân có thể nắm bắt được các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh nguy hiểm và cách phòng tránh đến từng thôn bản"- ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng sự chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân, Việt Hồng đã có những bước tiến dài so với trước đây.
Đến nay, xã chỉ còn 2,88% số hộ thuộc diện hộ nghèo; số cận nghèo cũng chỉ còn 3,9 %; thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí của xã Nông thôn mới nâng cao.
Ông Triệu Khánh Thiện, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái cho biết, thời gian tới xã sẽ ra nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, gắn với di tích lịch sử Chiến khu Vần trên địa bàn.
Với lợi thế về nguồn nước, địa phương cũng sẽ lựa chọn một số mô hình phù hợp để phát triển như nuôi cá tầm, nuôi lươn không bùn và nhân rộng mô hình nuôi vịt cổ xanh đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với phát triển du lịch, nông lâm nghiệp, địa phương cũng sẽ quan tâm đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Việt Hồng hôm nay – Sở Chỉ huy của lực lượng vũ trang khởi nghĩa 79 năm trước giờ đã thực sự "thay da, đổi thịt". Người dân luôn đoàn kết, nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương cách mạng ngày một ấm no, hạnh phúc, tiến tới trở thành xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh Yên Bái.
Từ khóa: Chiến khu Vần, Chiến khu Vần, giải phóng, khu du tích chiến khu vần, yên bái
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thừa xuân/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN