VOV.VN - Ông Nguyễn Thế Hồng - đại diện Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) khẳng định: “Việc chính thức sở hữu, gìn giữ, bảo quản Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có giá 6,1 triệu Euro là một di sản hết sức có giá trị về lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam”.
Sau hơn một năm thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" vừa được chuyển giao cho Bảo tàng Nam Hồng (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.
Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg).
Ấn vàng " Hoàng đế chi bảo" được chạm khắc tinh xảo, là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc.
Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. Đặc biệt, Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Trải qua 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là Kim Bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ).
Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Thế Hồng - đại diện Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) nhấn mạnh: “Việc chính thức sở hữu, gìn giữ, bảo quản Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một di sản hết sức có giá trị về lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam”.
“Là một công dân Việt Nam, tôi luôn tự hào về các Di sản Văn hóa của dân tộc mình và có trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay, tôi hy vọng ngoài Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ còn nhiều Di sản quý báu khác tiếp tục được hồi hương về Việt Nam, ngày càng làm giàu thêm cho kho tàng di sản của dân tộc” - ông Hồng chia sẻ.
Bảo vật Ấn vàng " Hoàng đế chi bảo" được gắn với nhiều mốc lịch sử trọng đại. Chiều 30/8/1945, sau khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại trao Ấn "Hoàng đế chi bảo" - được chọn trong số 200 ấn triện các loại được lưu giữ tại điện Cần Chánh và Ngự tiền văn phòng, cùng thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (lên ngôi từ 1916 đến 1925) trao lại, cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.
Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến (tháng 12/1946), không ai còn rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn kiếm. Tuy nhiên năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng cho sự chuyển giao từ chế độ quân chủ hơn nghìn năm sang nền dân chủ của nhân dân Việt Nam - nhà nước Việt Nam mới - Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng còn trưng bày nhiều cổ vật như Bình vôi vàng thời vua Mạc Mậu Hợp thời kỳ Sùng Khang năm 1566 - 1577.
Video: Cận cảnh ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Từ khóa: ấn vàng, cận cảnh, ấn vàng, hoàng đế, chí bảo, bảo tàng, hoàng gia, nam hồng, bắc ninh