Chỉ số PMI ngành sản xuất giảm thấp kỷ lục do ảnh hưởng của Covid-19

Cập nhật: 07/04/2020

VOV.VN - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. PMI đã giảm mạnh từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3.

IHS Markit vừa công bố Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2020. Theo đó, PMI đã giảm mạnh từ 49 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Dữ liệu mới nhất báo hiệu mức giảm mạnh của sức khỏe lĩnh vực sản xuất và là kết quả đáng chú ý nhất trong hơn chín năm thu thập dữ liệu tính đến nay. Mức độ giảm thậm chí còn mạnh hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 7/2012.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể trong tháng 3. Cả hai chỉ số đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số, với tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm gần tương đương với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

chi so pmi nganh san xuat giam thap ky luc do anh huong cua covid-19  hinh 1
Chỉ số PMI ngành sản xuất giảm thấp kỷ lục do ảnh hưởng của Covid-19

Khoảng 42% số người trả lời khảo sát cho biết sản lượng ngành sản xuất đã giảm vào thời điểm cuối quý 1. Sự suy giảm mạnh được ghi nhận ở tất cả ba lĩnh vực là hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản.

Các nhà sản xuất cũng giảm hoạt động mua hàng trong tháng 3 khi hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm với tốc độ kỷ lục. Kết quả là tồn kho hàng mua đã giảm với mức độ chưa từng có. Tồn kho thành phẩm cũng giảm đáng kể và mức giảm là lớn nhất trong vòng hơn sáu năm qua.

Mặc dù thiếu nhu cầu hàng hóa đầu vào, thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của người bán hàng đã kém đi ở mức tồi tệ nhất trong lịch sử khảo sát do ảnh hưởng của Covid-19 lên chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tình trạng chậm trễ của những người bán hàng Trung Quốc đã được nhắc đến.

Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nhẹ trong tháng 3, dù tốc độ tăng là chậm nhất trong thời gian bốn tháng. Ở những nơi tăng giá đầu vào, các thành viên nhóm khảo sát nêu nguyên nhân là do khan hiếm nguyên vật liệu. Mặt khác, tình trạng thiếu lực cầu hàng hóa đầu vào và giá dầu giảm dẫn đến một số người trả lời khảo sát báo cáo giảm chi phí đầu vào. Ở đầu ra, giá cả cũng giảm mạnh với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012.

Cùng với sự đi xuống của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được bổ sung vào khảo sát vào tháng 4/2012 khi có các quan ngại về ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 1/4 các công ty dự báo sản lượng giảm trong năm tới. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 39% số người trả lời khảo sát dự kiến sản lượng sẽ cao hơn mức hiện tại, với kỳ vọng phục hồi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3, với mức giảm tồi tệ nhất của các điều kiện kinh doanh kể từ khi khảo sát bắt đầu khoảng hơn 9 năm trước. Vấn đề then chốt hiện tại là sẽ mất bao lâu để cộng đồng quốc tế có thể kiểm soát đại dịch. Khi điều này xảy ra, các nhà sản xuất dự báo sản lượng sẽ tăng trở lại./.

Từ khóa: PMI, ngành sản xuất, chỉ số PMI, covid-19, ảnh hưởng của covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập