Chi đậm để mua vũ khí Mỹ, vì sao Saudi Arabia vẫn hứng đòn đau?
Cập nhật: 25/09/2019
Bến Tre: Tưng bừng lễ hội Hoa - kiểng “Sắc màu Chợ Lách”
Vietnam attracts global travelers for Lunar New Year celebrations
VOV.VN - Bất chấp sở hữu những khí tài quân sự tốt nhất của Mỹ, Saudi Arabia vẫn phải chứng kiến làn sóng tấn công kinh hoàng vào cơ sở dầu mỏ.
Trong nhiều năm qua, Saudi Arabia là khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ. Mối quan hệ này ngày càng trở nên khăng khít hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã thúc đẩy quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông này tham gia nhiều thương vụ hơn nữa và Riyadh cũng cam kết mua 110 tỷ USD vũ khí của Mỹ chỉ vài tháng sau khi ông lên nắm quyền.
Hệ thống phòng không Patriot có thể không phát huy tác dụng ngăn chặn cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: AP. |
Chi khủng cho quốc phòng
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Saudi Arabia có ngân sách quân sự lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Với chi tiêu cho quân sự hàng năm khoảng 68 tỷ USD, nếu tính theo GDP thì Arab Saudi đứng đầu thế giới - chiếm 8,8% GDP. Hầu hết vũ khí của Arab Saudi đều có nguồn gốc từ Mỹ, trong đó, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot là mặt hàng nước này đặc biệt quan tâm và đã chi khoản tiền khủng để mua về.
Thế nhưng, bất chấp nguồn tài chính dồi dào và việc sở hữu những công nghệ quân sự tốt nhất của Mỹ, Saudi Arabia vẫn phải chứng kiến vụ tấn công có khả năng làm tê liệt nghành công nghiệp dầu mỏ quan trọng của nước này. Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi Riyadh đã tự vệ như thế nào với những loại vũ khí mà nước này mua của Mỹ?
Mặc dù Saudi Arabia đã mua rất nhiều vũ khí tối tân, nhưng các chuyên gia đánh giá, cuộc tấn công hôm 14/9 vừa qua là hoạt động được lên kế hoạch kỹ lưỡng vì thế thậm chí ngay cả các quốc gia giàu kinh nghiệm quân sự và được trang bị khí tài tốt nhất cũng khó phát hiện và vô hiệu hóa chúng.
“Đây là một cuộc tấn công hoàn hảo, gần như không để lại bất cứ sai sót nào”, ông Michael Knight, học giả tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, người đã nghiên cứu hệ thống phòng không của Saudi Arabia suốt nhiều thập kỷ nhận xét. Ông cho biết, chỉ duy nhất 1 trong số 20 tên lửa có thể bị mất mục tiêu và “điều đó thật đáng kinh ngạc”. Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm gây ra vụ việc. Trong khi đó các quan chức Mỹ cáo buộc, ít nhất một phần của vụ tấn công được tiến hành từ Iran – đối thủ chính của Saudi Arabia ở vùng Vịnh.
Patriot không còn là lựa chọn duy nhất
Cuộc tấn công này dường như đã phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội Saudi Arabia, trong đó có 6 đơn vị vận hành các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ sản xuất, mỗi hệ thống có giá trị lên tới 1 tỷ USD.
Sau diễn biến nói trên, Tổng thống Nga Putin đã đề nghị Saudi Arabia nên mua hệ thống phòng thủ S-300 hoặc S-400 như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm. “Chúng sẽ bảo vệ các cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia một cách đáng tin cậy”, ông Putin nói. Hệ thống S-400 dù chưa được thử nghiệm trong các tình huống thực tế, nhưng có giá thành thấp hơn so với Patriot. Về mặt lý thuyết, các tính năng kỹ thuật của S-400 vượt trội hơn Patriot, trong đó bao gồm khả năng tấn công xa hơn và hoạt động được ở bất kỳ phương hướng nào.
Saudi Arabia cũng từng nghĩ đến ý tưởng mua S-400 của Nga nhưng có lẽ quốc gia này nhận thức được rằng làm như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ với chính quyền ông Trump. Bên cạnh đó, cũng không có bằng chứng cho thấy S-400 nếu được triển khai sẽ xử lý cuộc tấn công hôm 14/9 tốt hơn hệ thống Patriot, bởi vì ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa ưu việt nhất cũng không có tỷ lệ thành công đạt 100%.
Khi các quan chức Saudi Arabia tuyên bố đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo của Houthi vào năm 2017, nhiều chuyên gia nhận định rằng, hệ thống Patriot trên thực tế đã không có tác dụng ngăn chặn quả tên lửa gần như đánh trúng mục tiêu là sân bay của Riyadh. So với cuộc tấn công này, vụ tấn công hôm 14/9 phức tạp hơn nhiều và rất khó để ngăn chặn. Cả máy bay không người lái lẫn tên lửa hành trình đã được huy động, với nhiều giả thiết cho rằng chúng được phóng từ nhiều địa điểm khác nhau.
Theo chuyên gia Michael Knight, hệ thống phòng thủ tên lửa của Saudi Arabia đã được phát triển vào những năm 1990 sau các cuộc chiến tranh Iran-Iraq và Chiến tranh vùng Vịnh. Tại thời điểm đó, máy bay và tên lửa đạn đạo là những mối đe dọa chính, nhưng chúng dễ dàng bị radar phát hiện và trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, tên lửa hành trình và máy bay không người lái bay sát mặt đất hơn, khiến chúng dễ qua mặt được radar. Với khả năng hoạt động ở tầm thấp, việc chúng tiếp cận và nhắm bắn mục tiêu có thể gây ra sự hủy diệt nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi bị phát hiện muộn. Saudi Arabia có một số hệ thống phòng thủ tên lửa có thể tấn công những vật thể bay ở tầm thấp, ông Thomas Karako – chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. Theo ông, về mặt lý thuyết, Patriot có thể bảo vệ Saudi Arabia chống lại mối đe dọa này, dù chúng được thiết kế chủ yếu để bắn hạ tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, việc hệ thống này có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc vào vị trí nó được lắp đặt. “Khu vực phòng thủ dành cho Patriot tương đối nhỏ. Có những giới hạn thực sự”, ông Thomas Karako nói.
Bài học nào cho Saudi Arabia?
Becca Wasser, nhà phân tích chính sách cao cấp của Rand Corp lại có cách nhìn nhận khác, bà cho biết trách nhiệm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Saudi Arabia được phân chia giữa Bộ Nội vụ và Lực lượng Vệ binh Quốc gia, thay vì quân đội. “Những cấu trúc, quy tắc và trách nhiệm chồng chéo này là dấu tích của các hoạt động chống đảo chính, được thiết kế để ngăn chặn bất cứ một phe cánh quyền lực nào gây ra mối đe dọa đối với Hoàng gia Saudi Arabia”.
Saudi Arabia hiện có kế hoạch cải cách quân đội để giải quyết những vấn đề đó. Đây là một phần của công cuộc cải cách toàn diện mà Thái tử Mohammed bin Salman đang thúc đẩy. Nhận thức được mối đe dọa của Iran đối với những căn cứ quan trọng, Saudi Arabia có thể tìm cách mua vũ khí mới để đối phó hiệu quả hơn.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) do công ty quốc phòng Rafael của Israel phối hợp với Tập đoàn Raytheon, Mỹ phát triển có thể nằm trong danh sách, ông Thomas Karako nhận xét. Hệ thống này được Israel sử dụng để bắn hạ tên lửa phóng từ dải Gaza và từ phía nam Lebanon. Saudi Arabia cũng có thể tìm cách nâng cấp năng lực radar với việc sử dụng các cảm biến hiện đại để phát hiện những mối đe dọa từ xa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, Saudi Arabia cần phải học cách vận hành tốt hơn những loại vũ khí mà nước này đang sở hữu. Các thương vụ mua vũ khí mới từ Mỹ có thể mất nhiều năm để thực hiện, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ ngày càng không hài lòng về mối quan hệ với Saudi Arabia và đã có những giới hạn nhất định được đặt ra đối với việc xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến của Mỹ. Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Trump dù hối thúc Saudi Arabia mua thêm nhiều vũ khí Mỹ, nhưng ông vẫn tuyên bố rằng Washington không có nghĩa vụ bảo vệ Saudi Arabia và nếu xảy ra xung đột Riyadh một lần nữa sẽ vẫn phải gánh chịu hậu quả./.
Saudi công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ tấn công cơ sở dầu khí
Liên quân Arab: Vũ khí tấn công nhà máy lọc dầu ở Saudi đến từ Iran
Saudi Arabia cam kết khôi phục đầy đủ sản lượng dầu vào cuối tháng 9
Từ khóa: Mỹ, Saudi Arabia, vũ khí Mỹ, tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, Iran
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN