Chỉ chọn 3 môn thi, vì sao thành phố Hồ Chí Minh không sợ học lệch?
Cập nhật: 08/03/2022
Triệt phá nhóm cho vay lãi nặng đến gần 700%/năm ở Đắk Nông
3 đường dây buôn lậu hàng ngàn tấn vàng từ nước ngoài về Việt Nam
[VOV2] - Việc thi như hiện nay dù 3 môn hay 4 môn đều đang ngược với mục tiêu của giáo dục. Học để thi chứ không phải học để biết, học để làm, học để chung sống..., thày giáo Nguyễn Xuân Khang, trường phổ thông liên cấp Marie Curie bày tỏ quan điểm.
Gần 1 tháng trở lại trường nhưng Quỳnh Trang, học sinh lớp 9 trường THCS Đống Đa, Hà Nội vẫn chưa cảm nhận được nhịp học bình thường trở lại khi các bạn trong diện F1, F0 tăng nhanh khiến lớp học thường xuyên trong tình trạng xáo trộn. Thời gian kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chỉ vài ba tháng nữa sẽ diễn ra. “Chỉ riêng 3 môn: Toán, Văn, Anh đã thành áp lực khi hầu hết thời gian lớp 9 bọn em học online. Nếu thêm môn thi thứ 4, áp lực sẽ càng nâng lên và kinh khủng hơn”, Trang lo lắng chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội luôn được so sánh khắc nghiệt hơn cả tuyển sinh đại học bởi số lượng thí sinh quá lớn so với đáp ứng của trường công. Phụ huynh học sinh lứa 2K7 càng áp lực khi các con học trực tuyến suốt từ cuối năm lớp 8. “Năm nay các con thiệt thòi rất nhiều so với các khóa trước. 2K6 các con còn được học trực tiếp đến hết tháng 5 mới nghỉ. Trong khi học sinh năm nay đến trường đến thời điểm này chắc đếm được trên đầu ngón tay. Nên tôi kiến nghị các bác ở trên bỏ môn thứ 4 để các cháu và gia đình bớt áp lực đã và đang đè quá nặng”, một phụ huynh ở Thanh Xuân, Hà Nội nêu kiến nghị.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho biết tính từ thời điểm ngành giáo dục Thủ đô quyết tâm đưa toàn bộ học sinh từ lớp 7 trở lại trường từ sau tết Âm lịch, đến nay đã bước sang tuần học thứ 5. Nhưng tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã khiến việc đi học trở lại gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều lớp đã phải chuyển trở lại việc học trực tuyến. Một phần các lớp ít F0, F1 tiếp tục duy trì học trực tiếp với sĩ số ngày một giảm, kết hợp dạy trực tuyến cho những học sinh trong diện phải ở nhà.
Tuần thứ 5 đi học trở lại thì gần 60% xã phường trên địa bàn thành phố chuyển từ vùng xanh, vùng vàng sang vùng cam. Đồng nghĩa mức độ dịch bệnh đã ở mức buộc phải đóng cửa trường. Dịch bệnh không ưu đãi với học sinh cuối cấp, gồm cả lớp 9 và 12.
Trong bối cảnh chung về số ca lây nhiễm tăng ở nhiều tỉnh, thành phố, đa số các địa phương chọn thi 3 môn Toán-Văn- Ngoại ngữ. Cao Bằng là địa phương đầu tiên công bố sử dụng bốn bài thi để tuyển sinh vào lớp 10, gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Vật lý. Hà Nội cũng được dự kiến sẽ thuộc nhóm các địa phương chọn thi môn thứ 4.
Về lý lẽ, các nhà quản lý giáo dục chọn môn thi thứ tư cách thời điểm thi 3 tháng là để chống học lệch ở bậc THCS, đặc biệt lớp 9. Các em học sinh phải học đều các môn. Tuy nhiên đây chỉ là cách làm "đối phó" của chính người làm quản lí giáo dục trước lo lắng học sinh Hà Nội, học sinh địa phương mình sẽ học lệch và thầy cô vì thương học sinh sẽ buông các môn không thi chứ không phải giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, thầy Xuân Khang phân tích.
Nhìn lại năm ngoái, cuối tháng 3, Hà Nội chọn Lịch Sử làm môn thứ 4, giai đoạn cuối quả thực quá sức với học sinh, việc học nhồi nhét, căng thẳng và không có giá trị trong việc làm cho học sinh yêu thích hay học tốt hơn bộ môn này. Nhưng kết quả là điểm Lịch sử lại rất cao, thậm chí còn cứu kết quả cho nhiều học sinh.
Theo thầy Xuân Khang, ở đây có một sự nhầm lẫn giữa kì thi tốt nghiệp với kì thi tuyển sinh các cấp. Nếu môn thi, đề thi dễ sẽ đem tới kết quả mặt bằng điểm cũng cao chung với tất cả học sinh. Trong khi đó việc tuyển sinh vào lớp 10 hay đại học là cuộc đua của người này với người khác. Đề thi tuyển sinh yêu cầu quan trọng nhất nằm ở việc phân hóa được học sinh nhiều cung bậc để làm căn cứ lấy vào từ trên xuống.
Vì vậy, trong bối cảnh giáo dục Thủ đô bắt đầu năm học và kéo dài bằng hình thức trực tuyến với cùng lúc quá nhiều mục tiêu: chống học lệch, chống dạy lệch rồi chống đại dịch Covid-19 thực sự đang khiến học sinh quá tải, thầy Khang kiến nghị bỏ môn thứ 4.
Thêm vào đó, năm học 2022-2023 sắp tới, giáo dục bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp, học sinh không phải học tất cả. Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, các em được lựa chọn môn học phù hợp sở trường nên việc chọn thi thêm môn thứ 4 là không hợp lí.
"Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương được cho là tương đồng nhất với Hà Nội trên nhiều phương diện họ chỉ cho thi 3 môn và giữ ổn định từ nhiều năm nay. Thế họ chống dạy lệch, học lệch ở THCS bằng cách gì? Tôi nghĩ rằng Hà Nội và các địa phương khác nên tìm hiểu và học tập. Toán, đại diện cho các môn khoa học tự nhiên. Ngữ văn, đại diện cho các môn khoa học xã hội và Ngoại ngữ là môn học rất thiết thực cho thời kì hội nhập. 3 môn là đủ. Sao chúng ta không tham khảo nhỉ”. Thầy Xuân Khang đặt câu hỏi.
Chúng ta nói nhiều tới thay đổi kiểm tra, đánh giá theo hướng không chạy theo thành tích, điểm số. Tức là hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của người học. “Việc thi như hiện nay dù 3 môn hay 4 môn đều đang ngược với mục tiêu của giáo dục. Học để thi chứ không phải học để biết, học để làm, học để chung sống...”, thầy Xuân Khang phân tích thêm.
Quý vị có thể nhấn nút để nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên cùng thầy Nguyễn Xuân Khang
Từ khóa: thi môn thứ 4, môn thứ 4, Hà Nội thi mấy môn, mùa thi 2022, thi vào 10, lớp 10 THPT, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp, thi, tuyển sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2