Che giấu thông tin trên thị trường chứng khoán có thể bị phạt tù đến 5 năm
Cập nhật: 21/08/2024
VOV.VN - Che giấu hoặc công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán có thể dẫn đến những hậu quả xấu, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức cũng như thị trường vốn, tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.
Thị trường chứng khoán là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, có sự phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch tăng. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu minh bạch, chấp hành không đúng quy định pháp luật về công bố không đúng thông tin về thị trường giao dịch, tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng môi trường kinh doanh ở nước ta.
Theo bảng thống kê các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán cho thấy, số lượng vi phạm trong công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ ngày càng gia tăng, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2019. Trong khi giai đoạn 2012 - 2015, số lượng vi phạm trung bình chỉ gần 4 vụ/năm nhưng đến giai đoạn 2016 - 2019 đã tăng đến 7 vụ/năm, tăng gần như gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Tổng số quyết định xử phạt cũng có xu hướng tăng dần qua các năm.
Báo cáo khảo sát về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán với mục đích nhằm vinh danh các doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có 351/736 doanh nghiệp chưa thể đáp ứng (chiếm 48%). Số lượng doanh nghiệp bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm là 183 doanh nghiệp.
Điển hình phải kể đến vụ án Đỗ Anh D. và các cá nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn THM (Tập đoàn THM) đã có các hành vi gian dối, công bố thông tin sai sự thật, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản NSV, Công ty cổ phần Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn S, Công ty cổ phần C) và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật tổng trị giá 10.030 tỷ đồng với mục đích huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Mặc dù pháp luật ngày càng được hoàn thiện, các cơ quan chức năng ngày càng nâng cao nghiệp vụ, các biện pháp thanh tra, kiểm tra được triển khai rộng rãi, tuy nhiên, các hành vi gian lận vẫn còn tồn tại và biến động về số lượng cũng như về mức độ nghiêm trọng.
Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán được quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều này, thì chịu các hình phạt nhất định.
Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019, bao gồm: trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP có hướng dẫn thêm về hành vi che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, theo đó quy định: ... che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán ... là việc tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi, giao dịch hoặc bất cứ phương thức nào hoặc kết hợp với việc công bố thông tin sai sự thật để che giấu thông tin khi báo cáo, công bố hoặc trốn tránh không báo cáo, công bố thông tin theo quy định pháp luật chứng khoán, gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
Đối với Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ có mức xử lý khác nhau:
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị hình phạt như sau:
Cá nhân bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: a) Có tổ chức; b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm, thì bị hình phạt như sau:
Cá nhân bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Pháp nhân thương mại bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng.
- Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm; đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo, nhà đầu tư cần lưu ý việc tiếp nhận, đánh giá, xử lý thông tin cẩn trọng qua việc kiểm chứng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kênh thông tin chính thống để giảm thiểu rủi ro, ảnh hưởng từ các thông tin không chính xác, thất thiệt, không có cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước luôn đặt ra mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các nhà đầu tư. Trong thời gian tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về công bố thông tin của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý đối với các trường hợp tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của thị trường.
Từ khóa: chứng khoán, thị trường chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán, đầu tư chứng khoán, che giấu thông tin thị trường chứng khoán
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: thu hằng/vov2
Nguồn tin: VOVVN