Chế độ cử tuyển cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

Cập nhật: 06/08/2022

[VOV2] - Mục đích của cử tuyển là đào tạo tại chỗ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.

Trong nhiều năm qua, chính sách cử tuyển đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc đào tạo cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đã giải quyết được căn bản sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

*Các đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển bao gồm:

- Người dân tộc thiểu số rất ít người;

- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

*Tiêu chuẩn chung để được xét cử tuyển:

- Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này;

- Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;

- Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

Ngoài tiêu chuẩn chung quy định như trên, người học được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể quy định ở khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 141/2020/NĐ-CP.

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tất cả các dân tộc thiểu số đều đã có học sinh, sinh viên cử tuyển, một số dân tộc có số học sinh cử tuyển khá đông như: dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Hmông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%. Tuy nhiên vẫn còn một số dân tộc thiểu số rất khó tuyển sinh như dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Giẻ - Triêng, Cống, Pà Thẻn và Lôlô.

Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã giải quyết được cơ bản những khó khăn, bất cập của công tác cử tuyển. Nghị định 141/2020/NĐ-CP đảm bảo việc cử tuyển khách quan, công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác cử tuyển; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác cử tuyển; đào tạo cử tuyển phải gắn liền với quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn cán bộ của địa phương, của vùng. 

Đây là một giải pháp có tính tiên quyết để thành công trong tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Việc quy hoạch, phải được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan và hạn chế tiêu cực. Từ quy hoạch phát triển vùng, sau đó dự báo nguồn nhân lực (nguồn cán bộ) để đáp ứng nhu cầu của quy hoạch. Cần thiết phải quy hoạch rõ số cán bộ chuyên môn kỹ thuật, số cán bộ quản lý, số bác sỹ, giáo viên, số lượng cán bộ theo từng dân tộc của vùng (để đảm bảo tính phát triển cân đối giữa các dân tộc của vùng).

Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Người được cử tuyển để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng là học sinh phổ thông phải học một năm dự bị tại trường dự bị đại học hoặc tại khoa dự bị đại học của các trường được phép đào tạo dự bị đại học. Nếu sau thời gian học dự bị mà vẫn không đạt đủ điều kiện vào học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau: Sau khi kết thúc một năm học dự bị, nếu người học không đủ điều kiện vào học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thì được học lưu ban không quá một năm; trong năm học lưu ban, người học được hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ như năm học thứ nhất. Trường hợp sau một năm học lưu ban người học vẫn không đạt đủ điều kiện vào học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thì cơ sở đào tạo dự bị bàn giao lại hồ sơ về cơ quan cử người đi học; cơ quan cử người đi học xem xét chuyển các trường hợp này xuống đào tạo cử tuyển trình độ trung cấp hoặc bàn giao hồ sơ về gia đình hoặc địa phương của người học." 

"Trường hợp đối tượng được đi học cử tuyển nhưng lại trúng tuyển vào cao đẳng, đại học (tại năm xét đi học cử tuyển) thì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, người này sẽ không phải qua đào tạo dự bị đại học mà được chuyển ngay vào học cử tuyển cao đẳng, đại học." - Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm.

Mời các bạn cùng nghe phần tư vấn của ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ cử tuyển với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số:

 

Từ khóa: cử tuyển, dự bị đại học, giáo dục dân tộc, tư vấn chế độ chính sách, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập