Chế biến sâu mở hướng phát triển bền vững cho sầu riêng Khánh Sơn

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định được thương hiệu nhờ chất lượng vượt trội, hương vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào thị trường quả tươi khiến nông dân đối mặt nhiều rủi ro trong mùa thu hoạch rộ.

Để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và phát triển bền vững, địa phương đang từng bước thúc đẩy chế biến sâu, giải pháp căn cơ cho trái cây chủ lực này. 

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và kỹ thuật canh tác ngày càng cải tiến, diện tích và sản lượng sầu riêng tại các xã Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn và Đông Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa không ngừng tăng. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng hiện vẫn tiêu thụ ở dạng tươi, thông qua thương lái xuất khẩu tiểu ngạch hoặc bán trong nước. Điều này khiến đầu ra thiếu ổn định, giá cả bấp bênh, người trồng dễ bị ép giá khi vào chính vụ. Khi xuất khẩu “đứt chuỗi”, sản phẩm ứ đọng, giá sầu riêng giảm mạnh.

Mặc dù nhu cầu thị trường với các sản phẩm sầu riêng chế biến như đông lạnh, cấp đông nguyên múi, kem, bánh, mứt là rất lớn nhưng đến nay, ở vùng trồng sầu riêng Khánh Sơn chưa có cơ sở chế biến sâu. Hoạt động chế biến chủ yếu do các hộ làm thủ công, nhỏ lẻ. Sầu riêng tươi được thương lái mua tại chỗ rồi chuyển ra ngoài tỉnh để đóng gói hoặc bảo quản lạnh chờ tiêu thụ.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chưa thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lớn là quy mô vùng nguyên liệu chưa đủ lớn, sản lượng chưa ổn định, hạ tầng giao thông – kho lạnh yếu kém, chi phí bảo quản cao và thiếu doanh nghiệp đồng hành. Bên cạnh đó, người dân địa phương vẫn quen hình thức bán quả tươi, chưa có tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến. 

Ông Phan Đình Đức, nông dân ở xã Khánh Sơn cho rằng, một số doanh nghiệp từng đến khảo sát nhưng sau đó rút lui vì lo ngại không gom đủ nguyên liệu đảm bảo chất lượng. 

Theo ông Đức: “Ai cũng muốn đến mùa được giá sầu riêng và đầu ra ổn định. Vườn nhà tôi nhỏ nên nhà vựa tới coi rồi cắt. Nhưng nhiều vựa hứa rồi bỏ cọc, làm mất mùa lẫn công”.

Hạ tầng giao thông kết nối từ các xã miền núi Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn và Đông Khánh Sơn xuống Quốc lộ 1A phải đi qua đèo Khánh Sơn quanh co. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn khiến việc thu hút nhà máy chế biến sâu gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước tháo gỡ nút thắt này, xã Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững, hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại chỗ và kết nối thị trường. 

Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Sơn cho biết, dự án đường liên vùng Khánh Sơn - Khánh Vĩnh đang được triển khai thi công. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng kết nối vùng, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu cho các loại nông sản chủ lực, trong đó có sầu riêng.

“Khánh Sơn xác định sầu riêng là cây chủ lực, cần tiếp tục xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững để tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Địa phương sẽ tổ chức diễn đàn, kết nối giao thương, đưa kỹ thuật tiên tiến đến bà con, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản” - ông Nam bày tỏ.

Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Đề án phát triển sản phẩm OCOP sầu riêng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến sâu; hỗ trợ vốn vay ưu đãi và xúc tiến thương mại. Việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn cũng đang được các ngành chức năng thúc đẩy để sản phẩm có thể tiếp cận thị trường xuất khẩu chính ngạch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, những nơi có nhu cầu lớn với sầu riêng chế biến.

Tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến trái cây như xoài, sầu riêng, nho, táo để tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm. Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp và thiếu các nhà máy chế biến sâu sẽ dẫn đến khó khăn trong khâu tiêu thụ. 

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nếu chỉ sản xuất mà không có nhà đầu tư, nhà máy chế biến sâu hỗ trợ thì rất khó tiêu thụ, dễ rơi vào tình trạng giải cứu như những năm trước. Với trái cây như sầu riêng, măng cụt, nho, táo… nếu có chế biến đa dạng thành sản phẩm khô, nước ép, thực phẩm xuất khẩu thì đầu ra sẽ ổn định hơn”.

Chế biến sâu không chỉ nâng cao giá trị cho sầu riêng mà còn giúp ổn định đầu ra khi thị trường trái cây tươi biến động. Việc phát triển các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, puree, snack giúp kéo dài thời gian bảo quản, mở rộng kênh tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế.

Để làm được điều này, tỉnh Khánh Hòa cần có chiến lược dài hạn, quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản, hỗ trợ kỹ thuật, vốn và cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp. Chỉ khi sầu riêng Khánh Sơn được chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị và thị trường toàn cầu, cây trồng chủ lực này mới thật sự mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào vùng cao Khánh Sơn.

Từ khóa: sầu riêng, sầu riêng, Khánh Hòa, sầu riêng khánh sơn, sầu riêng khánh hòa, khánh sơn, giá sầu riêng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thanh thắng/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập