Chế biến sâu để giành thế chủ động trong tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 14/03/2020

VOV.VN - Chế biến được rau quả không chỉ giãn thời gian tiêu thụ mà còn đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản.

Câu chuyện về việc cần phải chế biến nông sản không phải là mới. Vào thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng đến giao thương giữa Việt Nam với các thị trường nhập khẩu nông sản, nhất là thị trường Trung Quốc như hiện nay, câu chuyện ấy một lần nữa được đặt ra khá gay gắt.

Ngay đầu mùa dịch, khi biên giới Việt Nam - Trung Quốc tạm thời đóng cửa, hàng ngàn tấn thanh long, dưa hấu ùn ứ trong nước khiến người tiêu dùng nội địa phải ra sức “giải cứu” còn nông dân vẫn lỗ nặng.

Trong bối cảnh đó, “Vua bánh mỳ” Kao Siêu Lực đã cho ra đời bánh mỳ thanh long hay bún, bánh tráng từ thanh long, dưa hấu của công ty TNHH thực phẩm Duy Anh (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM) do anh Lê Duy Toàn, giám đốc công ty nghiên cứu và phát triển…được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tuy các sản phẩm này không thể tiêu thụ được toàn bộ số trái cây ứ đọng nhưng là một ví dụ cụ thể cho sự sáng tạo trong chế biến nông sản.

“Thế mạnh của công ty trước nay vẫn là sản phẩm làm từ gạo và dành cho xuất khẩu. Việc kết hợp trái cây vào trong sản phẩm truyền thống đã tạo ra sản phẩm mới, độc lạ mà vẫn giữ được hương vị trái cây và cả hương vị gạo truyền thống. Qua đây, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn hơn cho bữa ăn của mình. Sản phẩm của công ty là sản phẩm sấy khô, nên hiện tại đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn so với thời điểm này năm ngoái”, anh Toàn nói.

che bien sau "giai cuu" nong san duoc mua mat gia hinh 1
"Vua bánh mỳ" Kao Siêu Lực với các sản phẩm làm từ thanh long và sầu riêng.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hiện đứng ngồi không yên vì hàng trăm ngàn tấn sầu riêng, chôm chôm sắp thu hoạch rộ chưa biết tiêu thụ thế nào. Chỉ riêng xã viên hợp tác xã Xuân Định đã có 250 ha sầu riêng và 500 ha chôm chôm.

Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất khoảng 1.000 ha nữa ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Thương lái cũng có đặt hàng trước, thậm chí là bao tiêu sản phẩm, nhưng nếu cửa khẩu hoặc các thị trường nhập khẩu nông sản đóng cửa vì dịch bệnh, hợp tác xã cùng đành chịu mà không thể ép thương lái theo hợp đồng. Trong khi đó, cứ vào mùa trái cây thu hoạch rộ là giá giảm thấp thê thảm.

Theo bà Nga, cách tốt nhất, căn cơ nhất là có cơ sở chế biến để lúc sầu riêng chín rộ thì có thể vừa bán tươi vừa làm kem sầu riêng, chôm chôm cũng tách đóng hộp, bảo quản trong kho lạnh để tiêu thụ dần. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là mong muốn của nông dân ở đây nhiều năm qua, bởi muốn đầu tư cơ sở chế biến thì phải có vốn lớn.

“Trái cây năm nào có năng suất cao là giá sẽ xuống, đó là quy luật. Người trồng cũng mong có đơn vị, công ty nào đó đầu tư hoặc kết nối với nông dân để làm kho hay thu mua, chế biến trữ trái lạnh thành múi, thành kem để được lâu dài, cho nông dân yên tâm sản xuất”, bà Nga mong muốn.

Đối với các loại rau, củ quả khác, tình trạng chung thời gian qua là không thể hoãn thời điểm thu hoạch, khó bảo quản tươi và được mùa - rớt giá thường xuyên xảy ra. Việc chế biến và chế biến sâu ngày càng trở nên quan trọng. Chế biến được rau quả không chỉ giãn thời gian tiêu thụ mà còn đa dạng sản phẩm để tiêu thụ được nhiều hơn, đồng thời gia tăng giá trị nông sản.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tỷ lệ chỉ có 5% rau quả được chế biến như hiện nay là quá thấp và muốn tăng tỷ lệ này thì cần được sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, hiện nay Việt Nam chỉ chế biến được 5% tổng sản lượng rau quả mình trồng được, có đẩy lên nữa cũng chỉ tăng thêm 5% nữa vì công suất máy móc chỉ có 10% thôi. “Dư địa để tăng sản lượng chế biến rất ít, vì đầu tư nhà máy chế biến đòi hỏi phải có thời gian, vốn, kỹ thuật nên không thể làm nhanh”, ông Nguyên trăn trở.

Muốn tăng lượng rau quả được chế biến, ngoài máy móc, kho bãi đạt tiêu chuẩn còn cần đến vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng và điều chỉnh được lịch thời vụ phù hợp.

Về lâu về dài, Quốc hội đã có Luật trồng trọt, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có chủ trương, chính sách cụ thể phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã làm đầu mối cho nông dân…Như vậy, nguyên liệu cho chế biến sẽ dần ổn định, phần còn lại vẫn là làm sao để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho chế biến nông sản.

che bien sau "giai cuu" nong san duoc mua mat gia hinh 2
Sản xuất bún dưa hấu vàng của Công ty Duy Anh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam mong muốn, Nhà nước có chính sách và doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư từ các dây chuyền trang thiết bị hiện đại, đến xây dựng các kho chứa để có thể trữ trong thời vụ thu hoạch rộ. Bởi hiện nay, nhu cầu nước giải khát từ trái cây rất lớn nhưng mới có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu này.

Mặt khác, trong bối cảnh nông sản Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, khủng hoảng tiêu thụ khi có biến động về xuất khẩu, thì chế biến chính là giải pháp bền vững. Trước mắt, cần vận động nông dân trồng đạt yêu cầu của nhà máy chế biến và về lâu dài là nâng công suất chế biến.

Hiện nay, công suất thiết kế của ngành chế biến rau, quả của Việt Nam đạt 10% sản lượng nhưng mới chỉ thực hiện được 5%, tương đương với trên 1,2 triệu tấn. Mục tiêu của Việt Nam là nâng công suất chế biến lên 25%, tương đương hơn 6 triệu tấn rau, quả/năm. Để làm được điều này, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp chế biến cần nhà nước làm tốt vai trò cầu nối hợp tác, đồng thời có những chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư./.

Từ khóa: chế biến nông sản, giải cứu nông sản, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, giá trị gia tăng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập