Châu Âu trấn an Ukraine

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Những “chuyến thăm vì Ukraine” đang và sẽ được lãnh đạo châu Âu tiến hành trong những ngày tới, để trấn an nước này về những cam kết hỗ trợ quân sự “không lay chuyển” trong bối cảnh chiến sự leo thang và sự “không rõ ràng” của Mỹ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Hôm qua, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine.

Trong chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao châu Âu tới Kiev sau cuộc bầu cử Mỹ, ông Borrell khẳng định: “Mục đích rõ ràng của chuyến thăm này là nhấn mạnh sự ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với Ukraine. Sự ủng hộ này không hề lay chuyển. Chúng ta cần giao vũ khí nhanh hơn và ít áp đặt lằn ranh đỏ hơn trong việc sử dụng vũ khí”.

Chuyến thăm của ông Borrell được nhận định là một động thái trấn an Ukraine trong bối cảnh Mỹ sắp có Tổng thống mới là ông Donald Trump – người từng tuyên bố có thể kết thúc cuộc xung đột Ukraine trong một thời gian ngắn.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm qua thẳng thắn thừa nhận, bối cảnh chính trị đã thay đổi, đặt ra thách thức mới cho Ukraine, với một thỏa thuận có thể có giữa các nhà lãnh đạo Mỹ - Nga.

“Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ phối hợp hợp tác rất chặt chẽ với các quốc gia có quan điểm chung về tình hình Ukraine. Chúng tôi  mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Ba Lan sẽ diễn ra sớm, hay chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Anh hoặc tôi sẽ tới London. Vài ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp đón Tổng thư ký NATO và tôi cũng sẽ đến Stockholm  để gặp các nhà lãnh đạo Bắc Âu và vùng Baltic. Tất nhiên, mọi thứ sẽ nằm trong bối cảnh những thách thức mới mà toàn bộ khu vực, Liên minh châu Âu và phương Tây sẽ phải đối mặt”, ông Tusk nói.

Lo lắng của các nhà lãnh đạo châu Âu là hoàn toàn có cơ sở. Bởi hôm qua, Bryan Lanza - một trợ lý cấp cao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ yêu cầu lãnh đạo Ukraine phải đưa ra “tầm nhìn thực tế hơn cho hòa bình”. Mỹ sẽ ưu thiết lập hòa bình và ngừng giao tranh, chứ không phải khôi phục lại nhưng vùng lãnh thổ đã mất như bán đảo Crimea.

Hôm qua, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi thừa nhận, nước này đang gặp khó khăn và tình hình chiến sự đang leo thang nhanh chóng. Ông cũng đưa ra nhận định, quân đội Triều Tiên được triển khai đến Nga trước đó đang chuẩn bị tham gia chiến đấu cùng quân đội Nga.

Nhận định được đưa ra cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thành luật hiệp ước đối tác chiến lược Nga-Triều Tiên và Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực sau khi hai bên trao đổi các văn kiện phê chuẩn.

Trong hiệp ước có điều khoản cam kết của Nga và Triều Tiên về việc hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị thế lực bên ngoài tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, phù hợp theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp hai quốc gia. Hiện cả Nga và Triều Tiên đều chưa đưa ra xác nhận về sự có mặt của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Ukraine và phương Tây đưa ra nhiều tuyên bố về sự có mặt của quân Triều Tiên – gần khu vực biên giới Kursk của Nga – nơi mà quân Ukraine đang xâm nhập.

Từ khóa: Ukraine, châu Âu, Donald Trump, tổng thống Mỹ

Thể loại: Thế giới

Tác giả: đình nam/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan