Châu Âu ngày càng “không ngần ngại” với Trung Quốc ở Biển Đông

Cập nhật: 18/09/2020

VOV.VN - Với lập trưởng cứng rắn và hành động cụ thể, Pháp, Anh và Đức cho thấy đã đến lúc châu Âu cần tham gia tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Đã đến lúc hành động cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Các nước châu Âu đang cân nhắc đến việc tăng cường sự hiện diện tại những vùng biển lân cận với Trung Quốc, trong đó có Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ leo thang nghiêm trọng. Một số nhà quan sát còn coi những diễn biến này là dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Hôm 16/9, Pháp, Đức và Anh đã tái khẳng định lập trường của mình trong một công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh đến yêu cầu cần tuân thủ luật pháp tại Biển Đông. Pháp, Anh và Đức đều là các nước tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

3 nước châu Âu trên, còn được gọi là E3, lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định sẽ hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Bắc Kinh trước những hành động của nước này trong khu vực. Pháp, Anh và Đức cũng bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm độc chiếm hầu hết Biển Đông qua các tuyên bố phi pháp về đường cơ sở và vùng nội thủy giữa các đảo.

Rõ ràng, với các nước châu Âu như Anh và Pháp, quan hệ với Trung Quốc có nguy cơ lao dốc khi những quốc gia này có lập trường ngày càng cứng rắn với các hành động đơn phương và sự quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Cả Anh và Pháp đều là những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là những nước sở hữu hạt nhân chính thức cùng với lực lượng “Hải quân Biển Xanh” (Blue-water Navy - Đây là một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà - ND). Hai nước châu Âu này cũng sở hữu đáng kể các vùng lãnh thổ trong khu vực với nhiều trao đổi thương mại và các đối tác đầu tư quan trọng.

Pháp đã công bố một tài liệu chiến lược khu vực vào năm 2019, trong đó khẳng định tư cách của nước này là một quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, sẵn sàng hợp tác để bảo vệ các lợi ích chủ quyền và an toàn của các công dân trong khi chủ động đóng góp vào sự ổn định quốc tế".

Đầu tháng này, Đức cũng bắt đầu tham gia vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với một tài liệu chính sách dài 40 trang, trong đó khẳng định, ngoài những mục tiêu khác, chiến lược của Đức nhắm tới việc "đóng góp chủ động vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Tuyên bố trên của Đức có ý nghĩa đáng kể cho thấy sự thay đổi lập trường của nước này bởi Đức không sở hữu các vùng lãnh thổ trong khu vực và cũng không có lực lượng “Hải quân Biển xanh” để tiến hành hoạt động ở những vùng biển xa xôi như vậy.

Mặc dù chưa có những bước đi cụ thể như Pháp và Đức nhưng có nhiều lời kêu gọi ở Anh về việc nước này cần triển khai các tàu chiến và giám sát các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là có kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 4 tỷ USD tới Biển Đông nhằm phô diễn lực lượng và thể hiện sự ủng hộ với các đối tác quốc tế như Mỹ.

Châu Âu “không ngây thơ” trong ván cờ với Trung Quốc

Dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp có một lập trường chiến lược chủ động trong khu vực qua việc giám sát Trung Quốc. Theo quan điểm của ông Macron, Pháp cần thúc đẩy sự hợp tác chiến lược ở Biển Đông, mở rộng sự hợp tác kinh tế và quốc phòng với những quốc gia cùng chí hướng như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Trong chuyến thăm năm 2018 tới khu vực này, Tổng thống Macron đã kêu gọi thành lập liên minh chiến lược mới gồm Pháp, Australia và Ấn Độ nhằm bảo vệ một trật tự Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Trong những năm gần đây, Pháp đã ký các thỏa thuận quốc phòng quan trọng với các nước đồng minh, trong đó có một thỏa thuận tàu ngầm trị giá 38 tỷ USD với Hải quân Hoàng gia Australia và gần đây nhất là thỏa thuận chiến đấu cơ Rafale trị giá 9,4 tỷ USD với Ấn Độ.

"Chúng ta không ngây thơ: Nếu chúng ta muốn Trung Quôc coi trọng như một đối tác bình đẳng, chúng ta phải tự biết cách sắp xếp cho bản thân", Tổng thống Macron khẳng định nhân chuyến thăm tới một cơ sở hải quân của Australia.

Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu năm 2018, ông Macron cũng nhận định với phía Trung Quốc rằng, các sáng kiến kinh tế của nước này không nên chỉ là "một chiều" mà thay vào đó cần đảm bảo lợi ích của cả các nước đối tác.

Pháp cũng tăng cường sức mạnh hải quân như một phần trong nỗ lực rộng khắp do Mỹ dẫn đầu nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không ở những vùng biển gần Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã không mời Pháp đến dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân nước này sau khi tàu khu trục Pháp Vendemiaire (F734) tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan.

Là một đồng minh quan trọng của Mỹ, nước Anh hậu Brexit hiện đang tính toán động thái tiếp theo của mình. Tuần này, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã tiến hành các cuộc diễn tập sơ bộ nhằm chuẩn bị cho việc triển khai chính thức vào năm 2021.

Trước căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nghị sĩ Anh Andrew Bowie đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Johnson "để mắt tới những mối đe dọa ngày càng rõ ràng" từ Trung Quốc và "sẵn sàng hành động" qua việc triển khai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương.

"Quy mô hạm đội của Trung Quốc và mức độ mở rộng lực lượng này là lời cảnh báo rõ ràng cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc trở thành một siêu cường trên biển", nghị sĩ Anh, đồng thời là cựu quan chức hải quân cho hay.

"Với việc cả Mỹ và Australia đều bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 7, đã đến lúc Anh sẵn sàng hành động và đối phó với các yêu sách phi pháp của Trung Quốc bằng lập trường quyết đoán hơn", ông Bowie nhận định.

Năm 2017, Thủ tướng Johnson khi đó vẫn giữ vị trí Ngoại trưởng đã đề xuất rằng Anh có khả năng sẽ triển khai tàu sân bay mới nhất của nước này đến Biển Đông năm 2021. Tuy nhiên, Anh vẫn đang trong quá trình hoàn tất các kế hoạch nhằm xem xét các biện pháp phản ứng với Trung Quốc.

Dù vậy, như một dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, London đã từ chối nhiều thỏa thuận lớn với các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei với lý do rủi ro an ninh. Động thái này đã đưa Anh trở thành một phần trong cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 7, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming đã cáo buộc chính quyền Thủ tướng Johnson "đầu độc bầu không khí quan hệ Trung Quốc - Anh", đồng thời cảnh báo, Anh sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nếu quyết định "đứng về phía Mỹ" ở Biển Đông.

"Hậu Brexit, tôi nghĩ Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trên thế giới. Nhưng đó không phải là cách để đóng vai trò quan trọng", Đại sứ Trung Quốc bình luận.

Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành thăm hàng loạt nước châu Âu nhưng thay vì tìm bạn bè, Trung Quốc chỉ đang khiến châu Âu thận trọng và bất mãn hơn.

Hôm 14/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo EU nhưng cuộc gặp vốn được kỳ vọng sẽ củng cố quan hệ kinh tế giữa 2 bên này lại kết thúc với hầu như rất ít tiến triển. Bên cạnh đó, hội nghị cũng phơi bày những rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa EU và Trung Quốc.

"Những khác biệt thực sự vẫn tồn tại và chúng ta không thể che giấu chúng. Châu Âu cần là một người chơi chứ không phải một sân chơi", Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng đinh sau Hội nghị Thượng đỉnh hôm 14/9./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập